Hội nghị T.Ư 8, Khóa XIII, có ba nội dung chủ yếu được bàn thảo và thông qua. Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã thảo luận, đánh giá khách quan, khoa học về những kết quả, thành tích đã đạt được; những hạn chế, khuyết điểm cần sớm được khắc phục.
Ba nội dung chủ yếu là: Thứ nhất, nhìn lại tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, kế hoạch năm 2024; thứ hai, cho ý kiến, đánh giá kết quả thực hiện bốn Nghị quyết của Trung ương trong các khóa IX, X và XI; thứ ba, quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV.
Trung ương nhất trí nhận định: Năm 2023, tình hình thế giới và trong nước đều có những khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, hậu quả của dịch Covid-19 còn kéo dài; cạnh tranh chiến lược gia tăng; xung đột tại Ukraine còn phức tạp. Xu hướng tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm.
Trong khó khăn, thử thách, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi được kiểm soát tốt. Trung ương đánh giá: “Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực”. Dự báo đến hết năm nay, tăng trưởng GDP của cả nước đạt khoảng hơn 5%. Tuy thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Hội nghị T.Ư đã tổng kết 4 Nghị quyết và quyết định 3 vấn đề chiến lược tiếp tục được ban hành Nghị quyết mới: Một số vấn đề chính sách xã hội; Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Về thực hiện chính sách xã hội, cách tiếp cận được điều chỉnh, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; an sinh xã hội gắn với an ninh con người, an ninh xã hội. Trung ương đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp mới, sát với tình hình thực tế và có tính khả thi cao. Hay như chiến lược về xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà. Điểm nhấn mạnh của Nghị quyết lần này là, tập trung bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn để đáp ứng tốt hơn yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; hòa bình, hợp tác, liên kết để phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gia tăng với hình thái đa dạng. Chính vì vậy, Trung ương xác định, cần bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tập trung ưu tiên thực hiện thắng lợi đồng bộ các nhiệm vụ chính trị: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Tổng kết một số nghị quyết được ban hành từ các nhiệm kỳ trước, là một trong những việc làm thiết thực nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tại Hội nghị này, tinh thần của Trung ương là, nhất định phải biến nghị quyết thành kết quả sinh động trong cuộc sống. Muốn vậy, các vấn đề quan thiết trong nghị quyết phải từ cuộc sống “đi ra” thì sau đó mới có thể “đi vào”.
Điều này từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, “phải có kế hoạch tỉ mỉ, chắc chắn”. Người nói rất giản dị về việc cần chống thói quan liêu: “Chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là “đem râu ông nọ, chắp cằm bà kia”, không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả”. (Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 287).
Điều đáng quan tâm là, phải rất chú ý khâu dự báo bối cảnh tình hình mới, xu hướng phát triển. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ mới, giải pháp mới cho sát tình hình. Phân công, làm rõ trách nhiệm người phụ trách, nhất là người đứng đầu cấp ủy. Có đồng chí khái quát là, cần làm thật tốt ba khâu: ra nghị quyết, thực hiện nghị quyết và tổng kết nghị quyết. Ra nghị quyết phải trúng; thực hiện phải tốt, thường xuyên kiểm tra, giám sát; tổng kết phải thiết thực.
Hội nghị T.Ư đã tiến hành quy hoạch Ban Chấp hành T.Ư khóa XIV. Chúng ta đều biết, quy hoạch cán bộ là khâu quan trọng, nhiệm vụ thường xuyên nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Trong bài phát biểu bế mạc, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói những lời tâm huyết: “Công tác cán bộ là công tác con người, hết sức quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi phải rất công tâm, khách quan, trong sáng, đặc biệt là phải có con mắt tinh đời, đừng “nhìn gà hóa cuốc”, đừng “thấy đỏ tưởng là chín”, có khi “xanh vỏ mà đỏ lòng” đấy....”
Công tác cán bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Từ thực tế trong những năm qua, không ít ý kiến còn băn khoăn về mấy vấn đề: Tại sao chúng ta đã quy hoạch từ sớm, rất công phu, bài bản, nhưng sau khi được lựa chọn một số cán bộ đã hư hỏng? Tại sao có những cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, được quy hoạch sớm với số phiếu cao, nhưng sau khi được đề bạt lại tự diễn biến, tự chuyển hóa, thậm chí rơi vào vòng lao lý?
Cho nên, khi người lãnh đạo cao nhất của Đảng nói rằng, quy hoạch này mới là “quy hoạch một bước” thì cán bộ, đảng viên và quần chúng luôn hy vọng và chờ đợi một quy hoạch “động” và “mở” để chọn đúng người thực đức, thực tài, để chúng ta có một đội ngũ cán bộ chiến lược vững mạnh, đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử to lớn của dân tộc trong thời kỳ mới.