Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam (27/11/1961 - 27/11/2023), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức cuộc thi ảnh “Petrovietnam trong tôi”. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, cuộc thi đã thu hút được hơn 2.000 tác phẩm, vô cùng ấn tượng.
Chưa bao giờ một cuộc thi ảnh lại thu hút được nhiều người đã, đang công tác tại Petrovietnam tham gia đến thế. Gần 500 tác giả đã gửi đến Ban Tổ chức hơn 2.000 tác phẩm đã khẳng định đây là cuộc thi có số lượng ảnh lớn nhất từ trước đến nay.
Dĩ nhiên, số lượng ảnh nhiều chưa chắc đã nói lên được chất lượng của cuộc thi. Nhưng khi chỉ mới xem lướt qua, nghệ sĩ Vũ Huyến (nhà lý luận phê bình ảnh, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam, người đã tham gia 35 ban giám khảo các cuộc thi ảnh quốc tế) đã phải thốt lên: “Sao nhiều ảnh đẹp thế này?”. Còn nhà nhiếp ảnh Phạm Tiến Dũng (nguyên Trưởng ban Ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam) cũng phải công nhận: “Chỉ có người dầu khí mới có được những tấm ảnh mang đậm chất dầu khí như thế này”.
Sau 2 ngày chấm sơ khảo và chung khảo, Ban Giám khảo đã chọn ra được các tác phẩm ảnh xứng đáng để trao các giải thưởng.
Vậy, điều đọng lại ở cuộc thi ảnh “Petrovietnam trong tôi” là những gì?
Trước hết, phải khẳng định rằng, cuộc thi đã thành công tốt đẹp bởi số lượng người tham gia đông đảo và hầu hết các đơn vị thành viên Petrovietnam đều có ảnh dự thi. Cuộc thi đã tạo ra được một “phong trào chụp ảnh” ở toàn Petrovietnam và thu hút được tất cả những người dù đã có thâm niên lâu năm ở các đơn vị thành viên cho đến những người mới cầm máy chụp ảnh. Phương tiện chụp ảnh hầu như không phải máy ảnh hiện đại, mà có đến 90% là chụp bằng điện thoại. Nhưng ai cũng biết, điện thoại bây giờ sẽ cho ra những bức ảnh không thua kém máy ảnh chuyên nghiệp.
Những đơn vị có số lượng ảnh dự thi “áp đảo”, số lượng người tham gia đông đảo, có nhiều tay máy rất “chuyên nghiệp”, chất lượng ảnh cũng “đáng nể” như Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling), Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS)...
Tiếp đến, điều đáng nói là sự “hồn nhiên” của các tác giả thể hiện qua những tấm ảnh gửi dự thi. Sự “hồn nhiên” này thể hiện ở chỗ, hầu hết các bức ảnh đều do các tay máy là người dầu khí “chộp” được trong khi đang làm việc tại các công trình. Rất ít những bức ảnh có được sự đầu tư về bố cục, ánh sáng... mang phong cách chuyên nghiệp. Nhiều tác giả cũng rất “hồn nhiên” khi gửi những tấm ảnh hoàn toàn không liên quan gì đến tiêu chí cuộc thi, đơn giản là mọi người thấy ảnh đẹp, thấy hay thì gửi dự thi. Đó là những tấm ảnh chụp lưu niệm trong một sự kiện “vui vẻ” nào đó ở đơn vị, là những bức ảnh chụp ngẫu hứng... Chính vì thế, số lượng những tấm ảnh mang nội dung “vui là chính” rất nhiều.
Cuộc thi ảnh cho thấy rõ một vấn đề: Phong trào chụp ảnh ghi lại những khoảnh khắc lao động đời thường của người lao động dầu khí đang hết sức sôi động và phong phú. Sự sôi động này xuất phát ở chỗ, phương tiện chụp ảnh bây giờ rất sẵn và hầu như ai cũng có. Người chụp ảnh lại chính là những cán bộ, công nhân viên, người lao động đang làm việc ngày đêm trên các công trình dầu khí, cho nên bất cứ một khoảnh khắc ấn tượng nào, họ đều có thể chụp lại được. Nếu trong điều kiện có ánh sáng đầy đủ, có được góc nhìn hợp lý và chụp đúng thời điểm, sẽ có được những tấm ảnh đẹp. Cái đẹp, cái “thần” của đối tượng được đưa vào ảnh ở đây đến rất tự nhiên, sinh động và thực sự đáng yêu.
Điểm hạn chế duy nhất tại cuộc thi ảnh này là hầu hết các tác giả gửi ảnh đều không có được khái niệm cơ bản về “ảnh bộ”, “ảnh đơn”, đơn giản là mọi người thấy tấm ảnh nào ưng ý là gửi đi dự thi.
Những nhiếp ảnh gia dầu khí nghiệp dư hoàn toàn không có lỗi. Bởi họ có được đi học nhiếp ảnh bao giờ đâu. Họ chụp ảnh một cách rất bản năng, ngẫu hứng và hoàn toàn không có khái niệm chụp ảnh để dự thi. Họ chỉ nghĩ rằng phải ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong công việc, đơn giản vậy thôi.
Theo lý thuyết, ảnh bộ là một tác phẩm gồm nhiều ảnh phản ánh về một sự việc, một sự kiện, có chủ đề rõ ràng, có ảnh chính, ảnh phụ và các ảnh có kết cấu logic với nhau. Yêu cầu của ảnh bộ là phải có một ảnh chính toát lên “hồn cốt” của sự kiện và các ảnh phụ khác có tính chất phụ trợ, làm nền... Nói một cách “ví von”, ảnh bộ phản ánh sự việc giống như một cuốn tiểu thuyết, như một bản trường ca...
Còn ảnh đơn thì là ảnh của một cú bấm máy, nhưng thể hiện bản chất sự kiện cực kỳ hoàn chỉnh. Ảnh đơn chỉ có một tấm ảnh nhưng nó đã phản ánh được bản chất của sự kiện và ảnh đơn cũng có thể ví như một truyện ngắn hay như một bài thơ. Ảnh đơn là ảnh được sử dụng nhiều nhất trong báo chí.
Từ thực tế cuộc thi ảnh “Petrovietnam trong tôi”, nên chăng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Petrovietnam có những khóa đào tạo ngắn, nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản nhất, dễ hiểu nhất cho những người đam mê chụp ảnh ở các doanh nghiệp dầu khí, đồng thời có những đợt tổ chức sáng tác ảnh dành cho những tay máy chuyên nghiệp hoặc các nghệ sĩ nhiếp ảnh?
Hoạt động của Petrovietnam cực kỳ phong phú, sinh động và dễ có được những tấm ảnh vừa mang tính thời sự cao, vừa có tính nghệ thuật. Nhưng muốn có những bức ảnh “để đời” cần phải có một sự đầu tư thỏa đáng, đặc biệt là về thời gian sáng tác.
Cũng thêm một lời gửi tới các “nhiếp ảnh gia” của Petrovietnam, các bạn chụp bằng máy gì, dù là máy chuyên nghiệp, máy du lịch hay điện thoại, nhưng trước khi gửi ảnh, các bạn nên đọc kỹ về tiêu chí, điều lệ và quy định của cuộc thi ảnh. Thực tế đã cho thấy, có những tấm ảnh rất đẹp, hoàn toàn có thể xứng đáng đưa vào xét giải cao, nhưng do dung lượng ảnh quá thấp, Ban Giám khảo đành phải bỏ. Thật đáng tiếc.Cũng thêm một lời gửi tới các “nhiếp ảnh gia” của Petrovietnam, các bạn chụp bằng máy gì, dù là máy chuyên nghiệp, máy du lịch hay điện thoại, nhưng trước khi gửi ảnh, các bạn nên đọc kỹ về tiêu chí, điều lệ và quy định của cuộc thi ảnh. Thực tế đã cho thấy, có những tấm ảnh rất đẹp, hoàn toàn có thể xứng đáng đưa vào xét giải cao, nhưng do dung lượng ảnh quá thấp, Ban Giám khảo đành phải bỏ. Thật đáng tiếc.