Với vai trò chiến lược, quan trọng của chuỗi dự án Lô B trong việc cung cấp nguồn năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội và nguồn thu lớn, ổn định cho Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) sẽ quyết tâm thực hiện thành công chuỗi dự án này vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Nhận thức rõ tầm quan trọng, mức độ phức tạp và những khó khăn trong quá trình phát triển Chuỗi Dự án Lô B, Petrovietnam cùng các Bên đầu tư thượng nguồn và trung nguồn đã rất tích cực triển khai Chuỗi Dự án. Nhiều mốc tiến độ quan trọng, làm tiền đề cho việc triển khai Chuỗi Dự án đã được Tập đoàn và các Bên đạt được, đặc biệt ngày 30/10/2023 các Bên tham gia đã ký thỏa thuận triển khai Chuỗi Dự án, đây là dấu mốc quan trọng phá vỡ bế tắc của Chuỗi Dự án trong hơn 20 năm qua.
Nhằm thực hiện thành công Chuỗi Dự án, với mục tiêu vì lợi ích quốc gia và doanh nghiệp, đảm bảo đồng bộ giữa các Dự án thành phần trong Chuỗi Dự án, vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 667-NQ/ĐU về tiếp tục lãnh đạo triển khai thực hiện Chuỗi Dự án Lô B, dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí.
Theo đó, Petrovietnam sẽ luôn thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo và yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam và sẽ tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất triển khai các hạng mục công việc Dự án thượng nguồn, trung nguồn, Dự án NMĐ Ô Môn III và Ô Môn IV theo đúng tinh thần chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đảm bảo đồng bộ về tiến độ giữa các khâu, các dự án thành phần để đảm bảo hiệu quả kinh tế của chuỗi dự án, phấn đấu có dòng khí đầu tiên của Dự án trong thời gian sớm nhất vào cuối năm 2026.
Đảng ủy Tập đoàn cũng xác định rõ 4 nhiệm vụ chính cần phải tập trung để triển khai trong thời gian tới. Đối với phần thượng nguồn, cần tập trung hoàn thành trao thầu, triển khai các gói thầu quan trọng cùng các công việc liên quan trong Dự án đảm bảo tính đồng bộ về tiến độ, đảm bảo chất lượng để có Dòng khí đầu tiên theo mục tiêu.
Đối với phần trung nguồn, bám sát tiến độ của các gói thầu phần thượng nguồn để hoàn thành lựa chọn nhà thầu và triển khai các hợp đồng về tuyến ống trên bờ và ngoài khơi cũng như các công việc liên quan tới công tác đền bù giải phóng mặt bằng, bảo hiểm cho tuyến ống này; đồng bộ thời gian hoàn tất công tác xây dựng lắp đặt với tiến độ hoàn thành của khâu thượng nguồn.
Đối với phần hạ nguồn, triển khai các công việc của các dự án NMĐ Ô Môn III và NMĐ Ô Môn IV theo kế hoạch, đồng bộ và phù hợp với tiến độ của Chuỗi Dự án theo lịch trình đã đặt ra.
Bên cạnh đó, Petrovietnam phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan tiến hành đàm phán các thỏa thuận thương mại (GSPA, GTA, GSA). Những thỏa thuận này cần phải được hoàn thiện và ký kết với các đối tác sớm nhất có thể nhằm đảm bảo tiến độ cho toàn Chuỗi Dự án; sớm triển khai công tác đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) để đồng bộ với các thỏa thuận thương mại trong Chuỗi Dự án.
Để triển khai thành công toàn Chuỗi Dự án, việc thống nhất, đồng bộ về giải pháp trong các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội là hết sức cần thiết. Theo đó, cần kịp thời ban hành để đồng bộ các quy định nội bộ của Tập đoàn, tháo gỡ các khó khăn liên quan tới các quy định, quy chế cho các Dự án thành phần. Đồng thời, trong quá trình triển khai Chuỗi Dự án, phát hiện, tổng hợp, tham mưu, kiến nghị các cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các hướng dẫn, văn bản pháp luật phù hợp để giải quyết các vướng mắc phát sinh;
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng cũng như những mục tiêu chính của Chuỗi Dự án; huy động cả hệ thống chính trị của Tập đoàn, ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chỉ đạo của Chính phủ đối với Chuỗi Dự án.
Trong công tác quản trị điều hành, Petrovietnam xác định cần cập nhật, đánh giá các giao diện trong nội bộ, giao diện với các đối tác trong Chuỗi Dự án, với các tập đoàn, đơn vị liên quan, giao diện với các cấp thẩm quyền để có những giải pháp quản trị, điều hành phù hợp, linh hoạt, đảm bảo mục tiêu chung của Chuỗi Dự án; xây dựng phương án xử lý cơ cấu vốn góp tại Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn phù hợp với chỉ đạo của cấp thẩm quyền; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo riêng cho Chuỗi Dự án Lô B, thống nhất và bao trùm toàn bộ chuỗi giá trị để kịp thời chỉ đạo và quyết định các vấn đề quan trọng, có nội dung liên quan tới các quy định, quy chế cần sự đóng góp ý kiến, tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ các Bộ ngành và Cấp thẩm quyền; phát huy nội lực bằng cách sử dụng tối đa dịch vụ của các công ty trong nước, trong ngành; áp dụng công nghệ tiên tiến, tối ưu chi phí chuỗi cung ứng vật tư thiết bị, đặc biệt trong giai đoạn khoan và vận hành; xem xét có các hình thức khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân, tập thể nhằm động viên khích lệ người lao động trong quá trình triển khai các công việc của Chuỗi Dự án và phù hợp với tinh thần của Bộ Chính trị tại Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021.
Song song với các giải pháp quản trị điều hành, các giải pháp về nguồn vốn cũng cần được chú trọng, rà soát, cân đối để hoạch định phương án tài chính phù hợp và tối ưu đối với tổng thể Chuỗi Dự án.
Đảng ủy Tập đoàn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng cần đưa vào quán triệt thực hiện Nghị quyết trong toàn hệ thống chính trị của Tập đoàn, tới từng Cấp ủy và người đứng đầu. Đồng thời, Đảng ủy Tập đoàn giao Hội đồng Thành viên chỉ đạo, giám sát triển khai thực hiện Nghị quyết. Khi cần thiết, Hội đồng Thành viên thành lập Ban chỉ đạo để giúp Hội đồng Thành viên cùng Tổng giám đốc Tập đoàn xây dựng và ban hành chương trình kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết; báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất thành lập Ban chỉ đạo riêng cho Chuỗi Dự án Lô B. Tổng Giám đốc Tập đoàn có nhiệm vụ xây dựng chương trình kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết; thường xuyên đôn đốc các Ban/đơn vị triển khai thực hiện Chuỗi Dự án đảm bảo các mục tiêu đã đề ra; kiểm tra và có chế tài xử lý với các tập thể, cá nhân không thực hiện nghiêm hoặc cố tình gây cản trở việc thực hiện Nghị quyết này; tổ chức thực hiện trong toàn Tập đoàn và báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn kết quả thực hiện tại các phiên họp định kỳ.
Với sự quyết tâm, lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ và trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự ủng hộ, hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, cùng sự họp tác, chia sẻ của các bên đối tác, với truyền thống không ngại khó, không ngại khổ cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong toàn Tập đoàn, Petrovietnam quyết tâm đưa chuỗi Dự án vững chắc về đích, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Chuỗi Dự án khí Lô B là chuỗi các dự án khí - điện có quy mô lớn tại Việt Nam bao gồm các khâu từ thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn nhằm mục đích khai thác khí thiên nhiên từ các Lỗ B&48/95 và Lô 52/97 (dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3/năm) để cung cấp nhiên liệu trong thời gian 20 năm cho các nhà máy điện khí với tổng quy mô lắp đặt lên tới 3.800 MW.
Chuỗi Dự án sẽ đóng vai trò chiến lược cung cấp nguồn năng lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực miền Tây Nam Bộ, đồng thời mang về nguồn thu lớn và ổn định cho Chính phủ cũng như các nhà đầu tư Việt Nam (theo đánh giá của các Bên tham gia, nguồn thu của Nhà nước từ Chuỗi Dự án Lô B lên tới 30 tỷ USD cho cả đời dự án).