(ĐTCK) Năm 2024 được dự báo tiếp tục có nhiều thách thức với ngành bảo hiểm, nhưng điểm thuận lợi là hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã được hoàn thiện, với lộ trình rõ ràng, chuyển tiếp sang định hướng phát triển bền vững, hiệu quả.
Dự báo xu hướng mới
Các xu hướng mới trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam năm 2024 có thể bao gồm sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường bảo hiểm trực tuyến, sự phát triển của các sản phẩm bảo hiểm đa dạng và linh hoạt hơn, sự tăng cường công nghệ trong quản lý và xử lý thông tin khách hàng, sự thay đổi trong cách tiếp cận và tiếp thị sản phẩm bảo hiểm.
Việc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm trên không gian mạng sẽ thuận lợi hơn khi Bộ Tài chính mới đây đã ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định số 46/2023/NĐ-CP, với những quy định về việc bán bảo hiểm trực tuyến.
Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được phép thực hiện toàn bộ quy trình cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng đối với một hoặc một số sản phẩm bảo hiểm sau: bảo hiểm vi mô, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ có thời hạn trên 1 năm và các sản phẩm bảo hiểm khác có thời hạn từ 1 năm trở xuống mà theo quy trình của doanh nghiệp, chi nhánh, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô không yêu cầu thẩm định, đánh giá rủi ro trực tiếp trước khi giao kết hợp đồng; bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ có thời hạn từ 1 năm trở xuống, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cho các chuyến đi, du lịch…
Các hình thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng cũng được quy định rõ ràng sẽ là cơ sở quan trọng để các công ty bảo hiểm đẩy mạnh việc triển khai bán sản phẩm này.
Trong đó, các công ty bảo hiểm sẽ phát triển nền tảng, ứng dụng để khách hàng dễ dàng mua, quản lý hợp đồng bảo hiểm. Việc liên kết với dữ liệu lớn (big data) tiếp tục được quan tâm khi các công ty bảo hiểm sẽ tận dụng việc sử dụng dữ liệu lớn để phân tích hành vi, lối sống của khách hàng nhằm cung cấp các gói sản phẩm phù hợp. Chẳng hạn, các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe thông minh (smart healthcare insurance), ứng dụng công nghệ để theo dõi sức khỏe, lối sống, hỗ trợ quản lý bệnh tật, hay các sản phẩm bảo hiểm chia nhỏ, linh hoạt hơn.
Doanh nghiệp củng cố về “chất”
Theo đại diện Chubb Life, mỗi khách hàng đều có nhu cầu bảo vệ cũng như khả năng tài chính khác nhau, nên mỗi sản phẩm của Công ty luôn được “may đo” cho từng khách hàng, nhằm mang đến giá trị bảo vệ tốt nhất, bền vững nhất, dù ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời. Bên cạnh đó, trải nghiệm và cảm nhận của khách hàng cũng là yếu tố “sống còn” đối với tương lai của Chubb Life, quyết định Công ty sẽ đến được đích nhanh hay chậm, chứ không phải tốc độ tăng của doanh số.
Hanwha Life Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược “phòng vệ chủ động” để củng cố chất lượng kinh doanh. Các chính sách thù lao dành cho hệ thống kinh doanh sẽ theo hướng phân bổ thời gian chi trả dài hơn, nhằm khuyến khích đại lý chú trọng vào chất lượng khai thác, phục vụ khách hàng và duy trì hợp đồng bảo hiểm dài lâu. Các chương trình khung về quản lý hoạt động, huấn luyện, đào tạo và hỗ trợ tài chính cho đội ngũ kinh doanh tiếp tục được phát triển.
Song hành với đầu tư mở rộng mạng lưới, Hanwha Life Việt Nam sẽ tăng cường chuyển đổi số để đáp ứng tối ưu nhu cầu của khách hàng. Trong bối cảnh thị trường có nhiều thách thức, Công ty đang xoay chuyển “nước đi”, dồn cán cân cho việc củng cố về “chất” trước khi đặt vấn đề tăng trưởng trở lại về “lượng”. Theo đó, minh bạch là yếu tố quyết định củng cố niềm tin của khách hàng trong giai đoạn thị trường gặp khủng hoảng. Công ty đã chủ động, quyết liệt rà soát các quy trình bán hàng và chăm sóc khách hàng, xử lý các vi phạm phát sinh nhằm mang đến niềm an tâm trọn vẹn cho khách hàng.
Nguồn: Đầu tư chứng khoán