Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực và tham gia gìn giữ an ninh quốc phòng trên biển. Để khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế, mang sứ mệnh tiên phong trong xu thế chuyển dịch năng lượng, Petrovietnam đã chủ động mở đường trong lĩnh vực năng lượng nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 11/2021 (COP26), với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm rất cao trong vấn đề dịch chuyển các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu. Có thể nói, xu hướng dịch chuyển năng lượng và mục tiêu, quyết sách của quốc gia đã có ảnh hưởng sâu sắc đến hiện tại cũng như tương lai phát triển của Petrovietnam. Trong bối cảnh đó, ban lãnh đạo Petrovietnam đã nhanh chóng có những điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp, tận dụng và phát huy kinh nghiệm, năng lực, nguồn lực, vị thế của Tập đoàn đã hình thành hơn 60 năm qua để kiểm soát tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội phát triển trong thời kỳ diễn ra dịch chuyển năng lượng.
Petrovietnam - với vai trò là công ty dầu khí quốc gia luôn đặt mục tiêu phát triển gắn liền với mục tiêu chung của đất nước - đã điều chỉnh chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu nâng tổng công suất đặt đạt 8.000-14.000 MW và tỷ trọng nguồn điện tái tạo chiếm 5-10% tổng công suất đặt của Petrovietnam. Đến 2045, Petrovietnam phấn đấu nâng công suất đặt chiếm 8-10% tổng công suất hệ thống điện Việt Nam và tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo chiếm 10-20% trong tổng công suất nguồn điện Petrovietnam.
Chuẩn bị các bước đón đầu xu hướng
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Petrovietnam đã xây dựng chiến lược tổng thể phát triển bền vững đến năm 2045, chú trọng vào đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng. Xu hướng dịch chuyển sang năng lượng xanh của Petrovietnam thông qua nâng cao tỷ trọng khí, sản xuất hydrogen và phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK). Những năm qua, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình chuyển dịch năng lượng bằng việc sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế.
Petrovietnam định hướng từ năm 2025-2030 sẽ triển khai thí điểm các dự án sản xuất hydrogen “sạch”; tìm kiếm các nguồn tài chính để triển khai các dự án năng lượng sạch; tìm kiếm khách hàng có nhu cầu trong nước và khu vực để phát triển thị trường; cải hoán hạ tầng vận chuyển, xử lý, tồn trữ, phân phối khí. Từ năm 2030-2045, Tập đoàn sẽ sản xuất thương mại hydrogen “sạch” sử dụng cho các nhà máy lọc dầu, nhà máy đạm và phát triển các dự án sản xuất nhiên liệu, nguyên vật liệu và xuất khẩu hydrogen “sạch” cho các thị trường trong khu vực, thế giới… Hiện, tại các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đang xây dựng kế hoạch nghiên cứu dài hạn về hydrogen. Hai nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau cũng có dự án thử nghiệm sử dụng hydrogen xanh thay thế một phần sản xuất amoniac.
Năm 2021, Petrovietnam đã ký MOU với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược trong giai đoạn 2021-2024 nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng sạch và bền vững tại Việt Nam, cũng như hỗ trợ Petrovietnam đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh. Theo đó, ADB hỗ trợ Petrovietnam xây dựng chiến lược và lộ trình chuyển dịch năng lượng xanh, đánh giá cơ hội CCUS trong các lĩnh vực, xây dựng lộ trình CCUS và chuẩn bị một dự án thí điểm trở thành công ty hàng đầu phát triển hydro lam và xanh ở Việt Nam, bao gồm sản xuất, phân phối và lưu trữ hydro; Tư vấn giao dịch hoặc cho vay để phát triển dự án gió ngoài khơi…
Ngoài ra, Petrovietnam cũng định hướng phát triển lĩnh vực ĐGNK sẽ là tiền đề cho việc sản xuất hydrogen xanh, bởi Tập đoàn có thể tận dụng được kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng và đội ngũ nhân lực đã có từ hàng chục năm phát triển ngành dầu khí biển. Tập đoàn đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá tiềm năng phát triển ĐGNK tại Việt Nam và đã có văn bản đề xuất vị trí khảo sát ĐGNK đến các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Thái Bình và Hải Phòng. Sau khi được Chính phủ cho phép, Petrovietnam sẽ cùng các đối tác quốc tế phát triển các dự án ĐGNK, phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch không gian biển…
Đẩy mạnh các chuỗi giá trị liên kết
Song song việc tăng cường thăm dò khai thác và phát triển mỏ nhằm tận dụng lợi thế về thời gian để tận thu tối đa nguồn năng lượng hóa thạch, trong những năm gần đây, Petrovietnam đã từng bước tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển các chuỗi giá trị liên kết, kết nối các lĩnh vực/đơn vị thành viên, tận dụng thế mạnh về năng lực, công nghệ và hạ tầng của các đơn vị để triển khai hiệu quả các dự án chuyển dịch năng lượng, đem lại hiệu quả cho cả chuỗi, nâng cao nội lực toàn Tập đoàn phục vụ cho phát triển ngành năng lượng.
Petrovietnam đã và đang chủ động xây dựng chuỗi cung ứng nội địa bao gồm các đơn vị trong ngành nhằm cung cấp dịch vụ cho ngành công nghiệp điện gió, như: Vietsovpetro, PTSC, Viện Dầu khí, PVE, PETROSETCO, PVD Tech, PVC-MS, PV Shipyard, cảng Sao Mai - Bến Đình, Dung Quất Shipyard… Các đơn vị chủ lực của Petrovietnam về thiết kế, chế tạo, xây lắp và vận hành các công trình dầu khí biển như Vietsovpetro, PTSC, PETROCONs đã được Tập đoàn giao nhiệm vụ nghiên cứu, thành lập tổ hợp phát triển chuỗi giá trị năng lượng tái tạo; với năng lực, kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng sẵn có, tăng cường khả năng hợp tác, phát huy năng lực của nhau, phối hợp tìm kiếm cơ hội tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi trong và ngoài nước; không chỉ đáp ứng các yêu cầu của các chủ đầu tư của các dự án mà còn phải từng bước nâng cao năng lực, tích lũy kinh nghiệm để chuẩn bị cho các dự án lớn sau này.
Một trong những đơn vị chủ lực của Petrovietnam trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao - Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã gặt hái được những thành công nhất định trong việc cung cấp dịch vụ cho các dự án ĐGNK cả trong và ngoài nước. Những dấu ấn nổi bật mà PTSC đã đạt được có thể kể đến như khảo sát cho dự án ThangLong Wind; chế tạo 2 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án tại Đài Loan, 4 OSS cho dự án tại vùng biển Baltic (châu Âu). Đơn vị cũng đang trong giai đoạn nước rút sản xuất 33 kết cấu móng trụ turbine cho dự án Greater Changhua 2b&4 tại Đài Loan (Trung Quốc) cho Orsted.
Cuối tháng 8/2023, PTSC đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao giấy phép khảo sát phục vụ dự án ĐGNK tại khu vực biển Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu điện sang Singapore. Với việc được trao Quyết định nói trên, PTSC đã trở thành đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được cấp phép triển khai các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án ĐGNK nói riêng và năng lượng tái tạo ngoài khơi nói chung. Sự kiện này cũng thể hiện sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đối với Petrovietnam và các đơn vị thành viên trong lĩnh vực năng lượng mới đầy tiềm năng.
Khẳng định vai trò tập đoàn công nghiệp - năng lượng chủ lực của nền kinh tế
Đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng không chỉ là những yêu cầu bắt buộc, mà còn là những cơ hội cho các công ty dầu khí tồn tại và phát triển trong môi trường thay đổi và đầy thách thức hiện nay. Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định: “Chuyển dịch năng lượng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng học hỏi và luôn nhận thức đó là xu hướng tất yếu không thể thay đổi, Petrovietnam không thể đứng ngoài cuộc". Đây cũng là mục tiêu và là nhiệm vụ bắt buộc đối với Petrovietnam - Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng chủ lực của nền kinh tế.
Chuyển dịch năng lượng của Petrovietnam không đơn thuần là phát triển năng lượng tái tạo hay ĐGNK. Đây là một quá trình liên tục “quản trị biến động, tối đa giá trị, kết nối nguồn lực, đón đầu xu hướng, mở rộng quy mô, dịch chuyển mô hình, phát triển bền vững” trong tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Chuyển dịch năng lượng của Petrovietnam bao gồm các giải pháp áp dụng hệ thống quản lý năng lượng thông minh, sử dụng công nghệ tiên tiến để cải tiến quy trình sản xuất, tăng cường hiệu suất khai thác năng lượng, giảm thiểu lượng khí thải trong tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; đồng thời thường xuyên đánh giá sự thay đổi của thị trường và yêu cầu của khách hàng nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chuyển dịch năng lượng tại Petrovietnam còn là quá trình đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển khoa học công nghệ nhằm tăng cường các hoạt động nghiên cứu các giải pháp thu hồi, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng carbon để giảm thiểu lượng khí thải trong công nghiệp khi tiêu thụ các loại hình năng lượng dầu và khí; đồng thời nghiên cứu cơ hội để đẩy mạnh phát triển các công nghệ mới như ĐGNK, hydrogen, ammonia, lưu trữ năng lượng, điện mặt trời; áp dụng chuyển đổi số trong quy trình sản xuất để cải thiện hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí nhằm đạt được mục tiêu về giảm phát thải môi trường.
Petrovietnam cũng sẽ tiếp tục xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, nắm bắt được xu thế chuyển dịch năng lượng, có chuyên môn, có khả năng dẫn dắt, định hướng, triển khai các dự án về chuyển dịch năng lượng; đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch và hiệu quả năng lượng. Tập đoàn cũng tập trung vào việc nâng cao năng lực quản trị và quản lý doanh nghiệp, quản trị biến động, quản trị rủi ro, bảo đảm hoàn thành kế hoạch dài hạn gắn liền với mục tiêu và cam kết quốc gia về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Trong quá trình chuyển dịch năng lượng này, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác của Petrovietnam trong thời gian tới là tiếp tục tích cực hỗ trợ Chính phủ và cơ quan chức năng trong việc xây dựng các cơ chế và chính sách hỗ trợ phát triển ngành năng lượng một cách bền vững; với mục tiêu cân bằng tam giác năng lượng: bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển môi trường bền vững với chi phí hợp lý.
Những mục tiêu, giải pháp kể trên sẽ không những giúp Petrovietnam tăng cường sức mạnh cạnh tranh, phát triển bền vững trong các điều kiện biến động của thị trường năng lượng, mà còn đồng thời thể hiện vai trò nòng cốt của tập đoàn năng lượng quốc gia, đóng góp vào mục tiêu chung của đất nước./.
Trúc Lâm