(ĐTCK) Bảo hiểm xe cơ giới là nghiệp vụ “xương sống” của các doanh nghiệp phi nhân thọ khi thường chiếm tỷ trọng hơn 20% trong tổng doanh thu, hiện đối mặt với nhiều khó khăn do giá xe liên tục giảm, sức cầu thị trường yếu… và dự báo tình trạng này sẽ còn kéo dài.
Báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tổng doanh số bán hàng toàn thị trường năm 2023 giảm 25% so với năm 2022. Trong đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 20% và xe nhập khẩu giảm 32%. Về chủng loại xe, doanh số xe ô tô du lịch giảm 27%; xe thương mại giảm 16% và xe chuyên dụng giảm 56%.
“Nghiệp vụ xe cơ giới là nghiệp vụ xương sống và có độ phủ 100% các đơn vị thành viên, chiếm tỷ trọng hơn 40% doanh thu bảo hiểm gốc của công ty. Tuy nhiên, năm qua, do số lượng xe bán ra cũng như giá xe mới, xe cũ đều giảm mạnh, sức mua thị trường yếu… dẫn đến số tiền bảo hiểm, phí bảo hiểm từng đơn đều sụt giảm so với năm 2022”, một doanh nghiệp trong Top 10 thị phần doanh thu phí lớn nhất thị trường phi nhân thọ chia sẻ.
Được biết, năm 2023, doanh thu nghiệp bảo hiểm xe cơ giới của hãng bảo hiểm này không hoàn thành kế hoạch đề ra cho cả năm (đạt 90%) và chỉ tăng trưởng 4%, trong khi những năm trước luôn tăng trưởng 2 con số. Dù vậy, mức tăng này vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng chung của thị trường trong năm qua (âm 2%).
Có thể thấy, 2023 là năm đầu tiên sau nhiều năm bảo hiểm xe cơ giới không tăng trưởng (năm 2022 tăng 12,45%). Ngoài nguyên nhân thị trường xe ô tô suy yếu trong năm 2023 dẫn đến việc bán bảo hiểm xe giảm theo, thì còn một nguyên nhân khác là nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh tái cơ cấu sản phẩm, dịch vụ, giảm tỷ trọng doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường cao.
“Về mặt nguyên tắc, các hợp đồng cũ tái tục là đã đảm bảo doanh thu phí không bị suy giảm, dù bán mới sụt giảm mạnh. Chính vì thế, sự sụt giảm doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới của toàn thị trường trong năm 2023 cũng một phần từ sự chủ động tái cơ cấu của các doanh nghiệp bảo hiểm”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm trong Top 6 thị phần chia sẻ.
Thực tế, tỷ lệ bồi thường của năm 2022 tăng nhanh buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải tái cơ cấu để đảm bảo cân đối thu chi bồi thường, thậm chí một số doanh nghiệp còn chấp nhận tăng phí bảo hiểm, “lựa chọn” khách hàng tốt để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, thay vì chạy theo doanh thu như trước. Đây là một trong những lý do khiến doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới năm 2023 giảm đi rõ rệt.
Bảo hiểm Bưu điện (PTI) - doanh nghiệp từng nằm trong Top 3 thị phần doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, đứng đầu thị phần bảo hiểm xe cơ giới và đứng thứ 2 bảo hiểm con người, trong năm qua đã mạnh mẽ cơ cấu lại các nghiệp vụ doanh thu cao nhưng lợi nhuận không cao tương xứng, thậm chí gây thua lỗ nặng, trong đó 2 có nghiệp vụ mang lại doanh thu cao nhất là bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới. Ngay từ quý I/2023, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới của PTI đã giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
“Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu phí bằng bảo hiểm xe cơ giới từng là chiến lược của nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ. Chiến lược này vẫn có thể được áp dụng trong thời gian tới nhưng chỉ phù hợp trong ngắn hạn, đến một thời điểm nhất định cũng phải dừng lại và tái cơ cấu”, đại diện một doanh nghiệp trong Top 10 nói.
Hiện còn quá sớm để vẽ bức tranh bảo hiểm cơ giới năm 2024, nhưng khó khăn là hiện hữu bởi quá trình tái cơ cấu các mảng nghiệp vụ lợi nhuận thấp bồi thường cao vẫn đang diễn ra, thị trường tiêu thụ xe vẫn chưa nhìn thấy điểm đột phá tăng trưởng và đặc biệt, Nghị định số 67/2023/NĐ-CP có quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được giảm phí tối đa 25% đối với sản phẩm bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc sẽ làm gia tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường, nhất là với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới vốn đã rất khốc liệt như hiện nay.
Nguồn: Đầu tư chứng khoán