Sáng 03/3/2024, tại Hà Nội, Thường trực Chính phủ đã có cuộc gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang đồng chủ trì sự kiện. Tại cuộc gặp mặt, đại diện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), đồng chí Lê Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã báo cáo Thường trực Chính phủ về tình hình hoạt động của Tập đoàn trong thời gian qua, cũng như các định hướng phát triển trong tương lai.
Xin trân trọng trích đăng nội dung bài phát biểu của đồng chí Lê Mạnh Hùng tại sự kiện này:
Thời gian qua, bên cạnh những khó khăn chung giống như cộng đồng doanh nghiệp cả nước, Petrovietnam chịu nhiều tác động bất lợi bởi một số yếu tố gắn với đặc thù hoạt động, như tình hình địa chính trị tại các trung tâm năng lượng thế giới và Biển Đông diễn biến phức tạp, tốc độ dịch chuyển năng lượng nhanh, biến động lớn về cung - cầu và giá các sản phẩm năng lượng năm 2023 suy giảm mạnh so với năm 2022.
Tuy nhiên, dưới sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, ngành Trung ương; đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ; cùng sự cố gắng, nỗ lực của gần 60 nghìn người lao động dầu khí, kết thúc năm 2023, Petrovietnam đã tiếp tục thiết lập nhiều kỷ lục mới về doanh thu, lợi nhuận, nộp Ngân sách nhà nước, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đặc biệt đã tập trung tháo gỡ được nhiều dự án khó khăn như NMNĐ Thái Bình 2, chuỗi Dự án khí điện Lô B - Ô Môn, Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. Cùng với đó Petrovietnam đã đẩy mạnh phát triển mở rộng quy mô, tăng cường hội nhập quốc tế, tái tạo mô hình kinh doanh để thích ứng với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số và chuyển dịch năng lượng.
Đặc biệt, đến nay Petrovietnam cơ bản đã hoàn thiện những thể chế, chính sách cho các hoạt động dầu khí để phát triển ổn định và lâu dài (Luật Dầu khí 2022, Nghị định số 45 ban hành ngày 01/7/2023 hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí).
Theo đánh giá của Fitch Ratings, Petrovietnam có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; các hoạt động của Petrovietnam có ảnh hưởng trọng yếu đối với toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng tại Việt Nam. Việc năm thứ 5 liên tiếp Petrovietnam được đánh giá xếp hạng tín nhiệm độc lập ở mức BB+ là minh chứng phản ánh chính xác về tình hình kinh doanh và tài chính vững mạnh của Petrovietnam với mức độ liên kết cao ở tất cả các lĩnh vực hoạt động.
Với 5 lĩnh vực hoạt động cốt lõi là tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện - năng lượng tái tạo, công nghiệp lọc hóa dầu, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao, quy mô tổng tài sản của Petrovietnam tính đến nay vào khoảng 998 nghìn tỷ đồng.
Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Ý thức được trách nhiệm, vai trò của mình, quán triệt những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại lễ tổng kết năm 2023 của Tập đoàn, ngay từ những ngày đầu năm, Petrovietnam đã khẩn trương tổ chức triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu được Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao. Trong đó tập trung vào 06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: (1) Tổ chức thực hiện Chiến lược và triển khai đề án Tái cơ cấu đồng bộ với Tối ưu mô hình và hiện đại hóa hệ thống quản trị, hệ thống kiểm soát rủi ro của Tập đoàn với mục tiêu Xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực; (2) Triển khai Chiến lược phát triển nguồn nhân lực, chú trọng quản trị tài năng gắn với Đề án tái tạo và nâng tầm văn hóa Petrovietnam; (3) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học (nhất là NCKH dài hạn); chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ và quản trị làm mới, nâng cao hiệu quả động lực truyền thống, bổ sung các động lực mới (năng lượng mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng) gắn với dịch chuyển mô hình kinh doanh phù hợp với xu hướng dịch chuyển năng lượng, chuyển đổi xanh; (4) Triển khai mạnh các phương thức quản trị mới: quản trị biến động, quản trị chuỗi giá trị, quản trị hệ sinh thái trong và ngoài Tập đoàn; mở rộng hợp tác đầu tư, kinh doanh quốc tế dựa trên quan hệ thương mại và ngoại giao của đất nước; (5) Quản trị danh mục đầu tư, tài chính, tập trung triển khai các dự án lớn, xử lý triệt để các dự án, doanh nghiệp khó khăn; (6) Tiếp tục thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách cho phát triển Tập đoàn, đặc biệt là những lĩnh vực năng lượng mới.
Đến nay, kết quả hoạt động SXKD 02 tháng đầu năm 2024 của Petrovietnam hầu hết hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 5- 30%; nhiều chỉ tiêu sản xuất thực hiện 2 tháng đầu năm tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023, như xăng dầu tăng 23,5%; sản xuất điện tăng 11,0%; LPG tăng 6,7%; Sản xuất đạm tăng 2,1%, v.v… góp phần ổn định thị trường và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội đất nước.
Các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn 02 tháng đầu năm cũng đều hoàn thành vượt mức từ 16-26% kế hoạch, tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 145,4 nghìn tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ; Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 20,1 nghìn tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch, tăng 3,0% so với cùng kỳ. Đặc biệt giá trị thực hiện đầu tư toàn Tập đoàn 02 tháng đạt 3,14 nghìn tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ năm 2023; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn ước đạt trên 7,7 nghìn tỷ đồng, vượt 48% kế hoạch.
Năm 2024 vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức phía trước, nhưng với các giá trị truyền thống của người lao động dầu khí, cùng những bài học kinh nghiệm rút ra trong thời gian qua, đặc biệt là sự quan tâm, động viên, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành trung ương, Petrovietnam tin tưởng chắc chắn sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong năm 2024 để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao./.
Nguồn: PVN