Doanh nghiệp lớn trong ngành bảo hiểm liên tiếp hợp tác với các hãng công nghệ bảo hiểm nước ngoài.
Mùa xuân năm 2024, Bảo hiểm Bảo Minh ký hợp đồng bán Bảo hiểm Chỉ số Bão (Storm Index Insurance) đầu tiên tại Việt Nam nhằm bảo vệ hơn 154 ha rừng keo tại Quảng Nam. Bằng việc bắt tay với công ty công nghệ bảo hiểm (insurtech) Hillridge (Úc), việc bồi hoàn được kích hoạt tự động với thời gian chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm bảo hiểm truyền thống.
Trước Bảo Minh, một công ty bảo hiểm nằm trong Top 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất Việt Nam là PVI đã cùng Igloo, hãng công nghệ bảo hiểm tại Singapore, phát hành Bảo hiểm Chỉ số Thời tiết cho các sản phẩm nông nghiệp, bắt đầu từ lúa rồi đến cà phê. Điểm chung của các bảo hiểm chỉ số đều dựa trên dữ liệu vệ tinh về tình hình thời tiết để tự động kích hoạt bồi thường mà không cần đến quy trình thẩm định mất mát phức tạp như bảo hiểm truyền thống.
“Là một công ty công nghệ, chúng tôi chỉ cung cấp hạ tầng bảo hiểm, còn hợp đồng bảo hiểm do Bảo Minh cung cấp”, Tổng Giám đốc Dale Schilling của Hillridge cho biết. Trước Bảo hiểm Chỉ số Bão, hãng này chào sân Việt Nam bằng một bảo hiểm phòng ngừa rủi ro hạn hán, liên kết với MSIG.
Khác với Hillridge, Igloo định vị mình là một công ty bảo hiểm trực tuyến hoàn toàn và có thể cung cấp những bảo hiểm vi mô khác, từ bảo hiểm cho sản phẩm, con người đến thú cưng.
Kể từ khi ZhongAn, công ty công nghệ bảo hiểm hoàn toàn trực tuyến đầu tiên của Trung Quốc, ra đời từ năm 2013, đến nay đã có hơn 330 công ty tham gia lĩnh vực này tại châu Á - Thái Bình Dương. Theo Mordor Intelligence, gần một nửa số công ty công nghệ bảo hiểm tư nhân tại khu vực này đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, thu hút khoảng 78% vốn đầu tư mạo hiểm trong khu vực. Các công ty lớn có thể kể đến như ZhongAn, SingLife, CXA Group, CoverFox, PolicyPal. Trong 5 năm tới, Mordor Intelligence dự báo khu vực sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép 7%. Acumen dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu của ngành lên đến 39%, đạt quy mô 166,4 tỉ USD vào năm 2030.
Các công ty công nghệ bảo hiểm hướng đến những hợp đồng bảo hiểm vi mô, có giá trị vài ngàn đồng cho đến vài triệu đồng. Giá trị nhỏ nhưng số lượng hợp đồng nhiều là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp lớn chưa mặn mà với phân khúc này. Điển hình như bảo hiểm nông nghiệp, tổng phí bảo hiểm thu được trong năm 2022 được Bộ Tài chính công bố chỉ 43 tỉ đồng, một con số cực kỳ khiêm tốn nếu so với 69.000 tỉ đồng phí bảo hiểm của toàn bộ mảng phi nhân thọ.
Theo Bảo Minh, chưa đến 5% số nông dân trên toàn quốc tham gia chương trình bảo hiểm thiên tai. Nghĩa là “thị trường công nghệ bảo hiểm còn rất lớn. Càng nhiều người tham gia càng tốt”, ông Nguyễn Hữu Tự Trí, Giám đốc Igloo Việt Nam, nói.
Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Giảng viên Kinh tế tại Đại học RMIT Việt Nam, khẳng định: “Xu hướng các công ty công nghệ bảo hiểm liên kết với các công ty bảo hiểm truyền thống đang được hình thành và thể hiện ngày càng rõ rệt”.
Nhờ công nghệ mới, các công ty công nghệ bảo hiểm có khả năng cải thiện cơ sở sở hạ tầng kỹ thuật số và tính linh hoạt trong hoạt động của các công ty bảo hiểm truyền thống. Trong khi đó, sự hợp tác cho phép các công ty bảo hiểm truyền thống tận dụng tiến bộ công nghệ để nâng cao dịch vụ của họ, cải thiện sự hài lòng của khách hàng và duy trì khả năng cạnh tranh. “Chúng tôi mở rộng khả năng tiếp tục phát triển các sản phẩm mới với Hillridge trong tương lai, cũng như với các công ty công nghệ bảo hiểm khác”, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Bảo Minh, cho biết.
Nhưng liệu mối quan hệ đối tác này có “hữu hảo” mãi mãi nhất là khi đã có bài học trước đó từ ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính (fintech)? Có thể thấy, với lợi thế về quy mô, các công ty bảo hiểm lớn có nguồn tài chính để đầu tư vào đổi mới công nghệ. “Tuy nhiên, phát triển công nghệ bảo hiểm đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao về công nghệ kỹ thuật số”, Tiến sĩ Bùi Duy Tùng phân tích, “những lĩnh vực mà các công ty bảo hiểm truyền thống có thể không có chuyên môn nội tại”.
Ứng dụng công nghệ trong bảo hiểm liên quan đến các mô hình đánh giá rủi ro phức tạp, do đó ông Tùng cho rằng việc cung cấp sản phẩm được cá nhân hóa và xử lý yêu cầu bồi thường có thể cần phải hợp tác với các công ty công nghệ bảo hiểm chuyên biệt. Tốc độ thay đổi công nghệ là một yếu tố quan trọng khác, khiến các công ty bảo hiểm lớn khó khăn trong việc đạt được tốc độ như các công ty khởi nghiệp do quy mô và sức ì đi kèm với quy trình và hệ thống đã được thiết lập.
“Hợp tác với các công ty khởi nghiệp công nghệ bảo hiểm có thể mang lại cách tiếp cận đổi mới linh hoạt và năng động hơn, cho phép các công ty bảo hiểm truyền thống nhanh chóng thích ứng với những thay đổi của thị trường và kỳ vọng của khách hàng”, ông Tùng kết luận.
Nguồn: VnEconomy