Ngày 8/6 tại Hà Nội, Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Văn hóa Doanh nghiệp – Nền tảng Phát triển Doanh nghiệp trong bối cảnh Hội nhập”. Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tham gia Hội thảo và chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Tập đoàn.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (CBF), các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa doanh nghiệp và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp.
Về phía Petrovietnam có ông Trần Quang Dũng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn; ông Phan Sỹ Linh, Trưởng phòng Văn hóa doanh nghiệp, Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn; ông Nguyễn Văn Bé Ba, Giám đốc Công ty Khí Cà Mau (PV GAS CA MAU).
Phát biểu tại Hội thảo, NSND Vũ Ngoạn Hợp, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam hoan nghênh sự quan tâm, tham gia Hội thảo của nhiều doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp và người làm công tác phát triển văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam. NSND Vũ Ngoạn Hợp nhấn mạnh văn hóa doanh nghiệp (VHDN) đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi công ty, mỗi một tổ chức, thiếu đi yếu tố văn hóa rất khó có thể đứng vững, tồn tại, thịnh vượng trong giai đoạn hội nhập như hiện nay. Bởi vì VHDN quy tụ sức mạnh của toàn thể CBCNV trong công ty, giúp thu hút và giữ được nhân tài, củng cố sự gắn bó đoàn kết và khuyến khích khả năng sáng tạo vượt trội giúp tổ chức ngày càng vững mạnh. VHDN là một phần không thể tách rời của bản sắc, danh dự của mỗi doanh nghiệp, tạo ra sự đoàn kết, sự cam kết, sự sáng tạo, không chỉ làm tăng hiệu suất lao động mà còn tăng giá trị thương hiệu và động viên sự phát triển bền vững. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, VHDN đã trở thành yếu tố quyết định cho sự cạnh tranh của kinh doanh. VHDN không chỉ được các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ.
Phó Chủ tịch CBF Vũ Ngoạn Hợp đánh giá Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) là đơn vị tiêu biểu, có nhiều chính sách, phương pháp tuyên truyền, lan tỏa VHDN nói chung, Văn hóa Petrovietnam nói riêng trong toàn Tập đoàn một cách bài bản, hiệu quả. Đặc biệt, Petrovietnam cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đáp ứng đủ Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành và được tôn vinh là "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh" ngay trong đợt đầu tiên năm 2021. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong Khối DNTW đã và đang học tập theo mô hình xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Petrovietnam.
Các đại biểu đã nghe PGS. TS Nguyễn Thị Bích Loan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương Mại giới thiệu tầm quan trọng của bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam. Bộ tiêu chí "Văn hoá kinh doanh Việt Nam" là bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hoá kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các Bộ, ban, ngành tham gia xây dựng. Bộ tiêu chí cùng với Cuộc vận động “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước. Bộ tiêu chí gồm 2 phần, với 5 điều kiện bắt buộc, 16 tiêu chí cụ thể và 40 chỉ số đánh giá, đo lường, là căn cứ để xét, công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam” và tôn vinh vào Ngày Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam (10/11) hằng năm.
Tại Hội thảo, đại diện đến từ các doanh nghiệp có những thành tựu, dấu ấn trong xây dựng VHDN chia sẻ bài học kinh nghiệm thực tế của mình, kết hợp với góc nhìn, đánh giá cùng những phân tích chuyên môn đến từ các chuyên gia của CBF.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bé Ba, Giám đốc Công ty Khí Cà Mau (PV GAS CA MAU), "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam" năm 2022 đã chia sẻ về công tác xây dựng và lan tỏa VHDN tại đơn vị mình. VHDN của PV GAS CA MAU được triển khai từ năm 2013, đến nay đã qua 11 năm xây dựng với hệ giá trị cốt lõi “Chuyên nghiệp – Trách nhiệm – Sáng tạo – Kết nối” trong thời gian qua đã không ngừng phát triển và thấm nhuần đến từng cán bộ, nhân viên, người lao động.
Quá quá trình triển khai, Giám đốc PV GAS CA MAU khẳng định việc xây dựng VHDN tại Công ty là một chủ trương đúng đắn, đúng thời điểm nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, giúp đơn vị có một bản sắc văn hóa riêng, phù hợp với quy mô hoạt động, với mục tiêu sản xuất kinh doanh. Đồng thời, không chỉ dừng lại ở việc xây dựng VHDN, PV GAS CA MAU còn kết hợp nhiều giá trị văn hóa gia tăng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động thông qua phát triển Văn hóa an toàn, Văn hóa đọc. Mỗi CBCNV PV GAS CA MAU sẽ là 1 đại sứ văn hóa, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp ra ngoài cộng đồng, xã hội.
Ông Nguyễn Văn Bé Ba cho biết thêm, qua khảo sát đánh giá việc xây dựng và triển khai VHDN tại công ty, mức độ gắn bó của CBCNV đối với đơn vị ngày càng tăng, tỷ lệ nghỉ việc giảm (từ 7%/năm xuống 3%/năm). Bên cạnh đó, PV GAS CA MAU đã xây dựng môi trường làm việc tích cực, hiệu quả, giúp nhân viên phát huy tối đa năng lực bản thân. Mức độ hài lòng về môi trường làm việc gia tăng qua các năm (hằng năm đều có đo lường và công bố ở Hội nghị Người lao động). Các hoạt động phong trào đoàn thể ngày càng sôi nổi, không khí làm việc thoải mái, cởi mở, đồng nghiệp hòa đồng. PV GAS CA MAU nhiều năm liền là lá cờ đầu trong các hoạt động đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh niên) của PV GAS và Petrovietnam. Cũng thông qua những hoạt động này, với sự cải thiện trong môi trường lao động đã khuyến khích, động viên người lao động có nhiều sáng kiến cải tiến hợp lý hóa sản xuất đạt được giải cao, từ đó góp phần chung vào sự phát triển bền vững của PV GAS CA MAU nói riêng, Tổng công ty PV GAS nói chung.
Cũng tại hội thảo đã diễn ra tọa đàm giữa chuyên gia và các doanh nghiệp tiêu biểu về câu chuyện VHDN tại đơn vị, giải đáp những thắc mắc của các đại biểu, những người làm về công tác VHDN. Từ đó giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả xây dựng VHDN, góp phần vào sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Nguồn: PVN