Trong giới đầu tư, hầu hết nhà đầu tư đều biết đến Quy tắc đầu tư nổi tiếng của “phù thủy xứ Omaha” – Ngài Warren Buffett:
“Quy tắc số 1: Không được để mất tiền.”
“Quy tắc số 2: Không quên quy tắc số 1.”
Quy tắc tưởng chừng đơn giản này lại là kim chỉ nam sống còn trong những giai đoạn thị trường biến động dữ dội – như chính tuần lễ “đẫm máu” từ 31/03 đến 11/04/2025 khi các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đồng loạt lao dốc trước lo ngại về chiến tranh thương mại và căng thẳng địa chính trị leo thang. Warren Buffett – nhà đầu tư huyền thoại của Mỹ – đã kịp thời nâng tỷ trọng tiền mặt và giảm rủi ro danh mục đầu tư, cho thấy khả năng phòng thủ tuyệt vời với rủi ro hệ thống.
Quản trị rủi ro trong giai đoạn thị trường chứng khoán biến động mạnh.
Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán cũng rơi vào trạng thái khủng hoảng nghiêm trọng. VN-Index liên tục mất điểm mạnh, tâm lý nhà đầu tư trở nên hoảng loạn, đặc biệt là trong bối cảnh thông tin bất lợi từ quốc tế kết hợp với việc áp thuế từ phía Hoa Kỳ lên hàng xuất khẩu Việt Nam. Hiện tượng “trắng bên mua” xuất hiện liên tục, cổ phiếu giảm sàn trên diện rộng. Đây là phép thử cực đoan cho khả năng quản trị rủi ro và tâm lý đầu tư.
Trong bối cảnh như vậy, câu hỏi đặt ra là: liệu nhà đầu tư cá nhân có thể suy nghĩ thấu đáo và hành động đi trước đám đông như Buffett?
Việc quản lý rủi ro và kiểm soát tâm lý đầu tư là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nhưng liệu chúng ta có thể suy nghĩ thấu đáo và hành động đi trước số đông như ngài Buffett để tránh được cú sập mạnh của thị trường trong hai tuần vừa qua? Chúng tôi nghĩ là có, nhưng thực tế không nhiều người làm được. Đã có không ít nhà đầu tư vẫn ‘full hàng’ vào ngày 02/04/2025 – ngay trước phiên giao dịch định mệnh ngày 03/04/2025 (giờ Việt Nam).
Chỉ trong bốn phiên liên tiếp sau ngày 02/04, VN-Index đã giảm tới 223,53 điểm, trong đó ba phiên đầu thị trường diễn ra tình trạng gần như hoàn toàn ‘trắng bên mua’, với mức giảm lên tới xấp xỉ biên độ 7%. Tới phiên 09/04, tình hình chỉ đỡ hơn đôi chút khi chỉ còn một số mã thuộc nhóm ngành xuất khẩu và khu công nghiệp – vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump – tiếp tục rơi vào trạng thái ‘trắng bên mua’.
Điểm khác biệt rõ rệt so với các giai đoạn khủng hoảng trước, như đại dịch COVID-19, là lần đầu tiên thị trường phái sinh giảm sàn hai phiên liên tiếp với toàn bộ các mã hợp đồng đều rơi vào trạng thái không có lực cầu – ‘trắng bên mua’.
Những diễn biến này cho thấy cú sốc từ việc áp thuế không chỉ tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam – đặc biệt là các ngành xuất khẩu và khu công nghiệp, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục nhà đầu tư – mà còn giáng đòn nặng nề vào tâm lý nhà đầu tư, khiến sự bi quan cực độ đối với triển vọng kinh tế lan rộng.
Tâm lý bi quan lan rộng, cộng hưởng với hiệu ứng margin, khiến thiệt hại nhanh chóng khuếch đại. Nếu một danh mục giả định trị giá 100 triệu đồng giảm 16,9% theo mức giảm của VN-Index, thì nhà đầu tư chỉ còn lại 83,1 triệu đồng. Nhà đầu tư cần đạt mức sinh lời 20,4% để chỉ vừa hòa vốn – một con số không hề dễ dàng, ngay cả với các nhà quản lý quỹ đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Minh họa mức độ lãi – lỗ trên số tiền 100 triệu đồng.
Với tỷ lệ margin 1:1, nếu danh mục giảm theo mức của VN-Index, nhà đầu tư sẽ chịu mức lỗ lên tới 33,9%. Để quay lại điểm hòa vốn, khoản đầu tư khi đó cần đạt mức sinh lời tới 51,3% – một con số không hề dễ dàng. Có bao nhiêu cổ phiếu trên thị trường có thể mang lại mức lợi nhuận trên cho nhà đầu tư?
Nghiêm trọng hơn nữa là nguy cơ bị ‘call margin’. Khi giá trị danh mục sụt giảm mạnh, công ty chứng khoán sẽ yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm tiền ký quỹ để duy trì tỷ lệ an toàn, thường dưới 80%. Trong trường hợp này, tỷ lệ an toàn có thể đã giảm chỉ còn khoảng 60%. Nếu không đáp ứng, tài khoản sẽ bị ‘force sell’ – thường là ở vùng giá thấp nhất.
Khi đối mặt với những sự kiện mang tính Thiên nga đen (Black swan) – khó lường và không thể định lượng tác động trong ngắn hạn như đợt áp thuế vừa qua – hành động ưu tiên số một là BÁN: bán giảm tỷ trọng cổ phiếu, bán hạ margin về 0%, hoặc mạnh tay hơn là thoát toàn bộ danh mục để ‘cắt lỗ’, bảo toàn vốn và hạn chế rủi ro.
Khi thị trường rơi vào trạng thái không có bên mua như 4 phiên vừa rồi, rủi ro thanh khoản trở thành mối lo lớn nhất. Bạn muốn ‘cắt lỗ’ cũng không thể thực hiện được. Đến khi có lực cầu trở lại, thì mức thiệt hại đã từ 16,9% leo lên tới 33,9%. Với danh mục 100 triệu đồng, mức lỗ này tương đương từ 16,9 đến 33,9 triệu đồng. Nhưng nếu số tiền là 1 tỷ, 10 tỷ, hay 100 tỷ đồng, thì thiệt hại lần lượt sẽ là 169 triệu, 1,69 tỷ và 16,9 tỷ đồng – con số quá lớn để có thể xem nhẹ.
Do đó, khi rơi vào tình thế bắt buộc phải ‘cắt lỗ’, bạn càng hành động sớm bao nhiêu thì càng bảo vệ được vốn đầu tư bấy nhiêu. Và càng sớm hành động, cơ hội khắc phục sai lầm, kiếm lại số tiền đã mất cũng nhanh hơn so với việc chờ đợi cổ phiếu phục hồi để bán mà không rõ khi nào.
Cốt lõi của vấn đề chính là sự ‘tự tin thái quá’. Nhiều nhà đầu tư bước vào thị trường với niềm tin rằng mình đủ hiểu biết và thông minh để chiến thắng thị trường. Cộng với cái tôi lớn, sự ngoan cố, họ thường không tuân thủ nguyên tắc ‘cắt lỗ từ đầu’.
Khi cổ phiếu đang nắm giữ bắt đầu giảm giá, không ít nhà đầu tư thường xem nhẹ mức lỗ ban đầu và thiếu kế hoạch bảo vệ danh mục. Hệ quả là khoản lỗ ngày càng nghiêm trọng – cả về tài chính lẫn tinh thần và thể chất. Tâm lý u uất, chán nản, stress kéo dài là những hệ lụy dễ gặp phải khi rơi vào tình trạng ‘ôm lỗ’ kéo dài mà không có chiến lược xử lý kịp thời.
Trên góc độ chia sẻ từ một đơn vị đầu tư chuyên nghiệp, PVI AM cho rằng để giảm nhẹ tác động từ những sự kiện bất ngờ mang tính “thiên nga đen” như đợt áp thuế vừa qua, nhà đầu tư nên chủ động xây dựng chiến lược quản trị rủi ro hiệu quả. Đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư lưu ý một số nguyên tắc quan trọng sau:
PVI AM hiện đang cung cấp các sản phẩm đầu tư chuyên biệt, bao gồm ủy thác đầu tư và quỹ mở với danh mục tập trung vào tài sản thu nhập cố định, có tính thanh khoản cao, và quy trình nộp – rút vốn nhanh chóng và minh bạch. Các nhà đầu tư có thể cân nhắc và tìm đến PVI AM để được tư vấn chi tiết hơn.
Chúc quý nhà đầu tư vững tay lái – vững tâm – vững chiến lược trên hành trình đầu tư!