Sáng hôm sau, Thứ trưởng Lương Văn Tự tới chào ông Tuyển, dẫn phần lớn thành viên trong đoàn bay về Việt Nam trước, ông Tự nói: “Tôi lại lên đường ngay, bắt đầu cho giai đoạn đàm phán đa phương”.
Ông Vũ Đăng Dũng - tham tán công sứ VN tại Mỹ - cho Tuổi Trẻ biết qua điện thoại: “Hai bên dự kiến sẽ ký kết chính thức vào đầu tháng sáu, khi bà Susan Schwab - đại diện thương mại mới được bổ nhiệm của Mỹ - sang VN tham dự Hội nghị bộ trưởng thương mại APEC”. Ông Dũng cũng cho hay trong khi một số thành viên của đoàn đàm phán về nước trong ngày 13-5 như đã định, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển vẫn chưa đặt vé rời Mỹ cụ thể mà tiếp tục lưu lại để chỉ đạo các công việc còn lại. Các thành viên của đoàn VN đã bắt tay vào soạn thảo biên bản cho thỏa thuận vừa đạt được. Một trong những vấn đề gây vướng mắc nhất và khiến đàm phán kéo dài hơn dự kiến là quyết định 55 về huy động 4 tỉ USD để tăng tốc ngành dệt may VN đã được hai bên thống nhất như sau: VN sẽ hủy bỏ quyết định này ngay khi chính thức trở thành thành viên WTO và sẽ ngừng áp dụng các điều khoản trong quyết định về trợ cấp cho doanh nghiệp dệt may kể từ khi hai bên chính thức ký kết thỏa thuận đàm phán. Trong một vấn đề khác gây nhiều tranh cãi, phía Mỹ đồng ý sẽ đối xử với VN như một nước có nền kinh tế thị trường sau 12 năm kể từ khi VN chính thức gia nhập WTO. Đây là một nhân nhượng đáng kể từ phía Mỹ trong khi với Trung Quốc, Mỹ yêu cầu thời hạn này là 15 năm. Mỹ là đối tác cuối cùng trong tổng số 28 thành viên WTO mà VN phải đàm phán song phương. VN sẽ phải tiếp tục phiên đàm phán đa phương mới dự kiến tiến hành vào tháng 10-2006 để kịp hoàn tất thủ tục gia nhập WTO trước khi Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Hà Nội cuối năm nay. CẨM HÀ - HƯƠNG GIANG |
Bằng việc vượt qua “cửa ải” Mỹ, cửa ải cuối cùng và gay go nhất trong tiến trình vào WTO, ông Tuyển đã chứng minh khả năng khó có thể thay thế của ông trong đàm phán quốc tế. Đại sứ VN tại Mỹ, nhà ngoại giao kỳ cựu Nguyễn Tâm Chiến, người chứng kiến phần lớn những cuộc thương lượng tay đôi của ông Tuyển tại Washington tuần qua đã phải thốt lên rằng: “Xuất sắc”.
Ngày 12-5, cuộc đàm phán gần như chỉ còn diễn ra “tay đôi” giữa ông Tuyển và ông Karan Bhatia, đại sứ, phó đại diện thương mại Mỹ. Bhatia đã từng học thạc sĩ ở Trường Kinh tế London, học luật ở Columbia và là giảng viên ở Trung tâm Luật của Đại học danh tiếng Georgetown. Ông còn rất trẻ nhưng đã được coi là một nhà đàm phán quốc tế sừng sỏ của Mỹ.
Thế nhưng những bế tắc lớn nhất không chỉ được giải quyết trong bàn thương lượng này. Vào lúc gần nửa đêm, ông Bhatia đồng ý nối máy để cho ông Tuyển đàm phán trực tiếp với cấp trên của ông, ông Rob Portman, đương kim trưởng đại diện thương mại Mỹ, thông qua thiết bị teleconference. Ông Rob Portman lúc này đang đi công tác ở tiểu bang Ohio.
Theo một thỏa thuận giữa đôi bên, ông Tuyển và các thành viên trong đoàn không tiết lộ bất cứ một chi tiết nào về nội dung của đàm phán. Ông Tuyển chỉ tuyên bố với đặc phái viên Tuổi Trẻ rằng:
“Vào lúc 2g30 ngày 13-5, giờ Washington, cuộc đàm phán đã đạt được những thỏa thuận về nguyên tắc. Đôi bên sẽ sớm có một thông cáo báo chí và việc ký kết chính thức sẽ được thực hiện trong một ngày gần đây, (có thể là) tại TP.HCM”. Dự kiến, đầu tháng sáu, bà Susan Schwab, người đang chờ thủ tục Thượng viện phê chuẩn chức trưởng Đại diện thương mại Mỹ, sẽ đến TP HCM.
Theo một nhà hoạt động hành lang tại Washington DC thì bà tin rằng vấn đề hàng dệt may đã được giải quyết ổn thỏa. Phía Mỹ đã đồng ý trong trường hợp có tranh chấp thì áp dụng những thủ tục tranh tụng của WTO thay vì áp đặt quota ngay như đòi hỏi ban đầu. Thời hạn đối xử với VN như là một nền kinh tế phi thị trường cũng đã có một thỏa thuận tốt, 12 năm, thấp hơn mức 15 năm mà Mỹ áp dụng cho Trung Quốc.
Để trở thành thành viên của WTO sau khi có sự ký kết này, Việt Nam còn phải chờ một thủ tục không mấy đơn giản là được Quốc hội Mỹ thông qua qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn. Nước gần đây nhất đạt được thời gian kỷ lục Quốc hội Mỹ thông qua thủ tục này là Gruzia cũng phải mất bốn tháng. Quốc hội Mỹ theo thông lệ sẽ bắt đầu kỳ nghỉ hè thường niên vào ngày 7-8.
Như vậy VN chỉ còn hơn hai tháng để thuyết phục cả hai viện của Quốc hôi Mỹ thông qua qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn. Vì sau đó, Quốc hội sẽ vô cùng bận bịu với việc bầu cử giữa nhiệm kỳ và làm ngân sách cho năm 2007. Đây sẽ là việc không hề đơn giản. Tuy nhiên, cũng trong chuyến đi này, ông Tuyển với tư cách là đặc phái viên Thủ tướng đã nhận được những cam kết khá mạnh mẽ ở cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ.
Một quan chức trong Chính phủ Hoa Kỳ cho đặc phái viên của Tuổi Trẻ biết rằng: “Sau vòng đàm phán này, phía Mỹ sẽ dồn mọi nỗ lực giúp VN giải quyết các mối quan hệ đa phương cần thiết để kết thúc thật nhanh con đường của VN vào WTO”. Thông tin này có nghĩa là chính phủ của Tổng thống Bush ngoài việc sẽ nỗ lực trình Quốc hội thông qua qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho VN, sẽ “bật đèn xanh” để WTO kết nạp VN vào WTO trước, trong trường hợp Quốc hội Mỹ không kịp tiến hành thủ tục này trước kỳ nghỉ hè.
HUY ĐỨC (Từ Washington, D.C.)
Hành trình 11 năm vào WTO
![]() |
Bộ trưởng Bộ Thương Mại Trương Đình Tuyển trả lời phỏng vấn báo chí sau phiên đànm phán Việt - Mỹ từ 16 đến 18-1-2006 tại Hà Nội - Ảnh: TTXVN |
Ngày 4-1-1995:
Ngày 31-1-1995: Ban công tác về việc VN gia nhập WTO được thành lập.
Tháng 9-1996: VN nộp bị vong lục về chế độ ngoại thương.
Từ tháng 3 đến 8-1998: VN đã trả lời nhiều câu hỏi nhằm làm rõ nội dung chính sách, bộ máy quản lý và thực thi chính sách của VN.
Từ tháng 7-1998 đến 15-9-2005: Ban công tác tổ chức 10 phiên họp để đánh giá tình hình chuẩn bị của VN.
Từ tháng 1-2002: VN tiến hành đàm phán song phương về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ với các nước quan tâm tới thị trường VN.
Tháng 5-2003: Ban công tác tuyên bố VN cần thực hiện “bước nhảy lượng tử” nếu muốn gia nhập WTO trong vòng hai năm tới.
Tháng 12-2003: Ban công tác làm việc về những điểm chủ chốt trong bản báo cáo về việc VN gia nhập WTO.
Tháng 6-2004: 63 nước thành viên WTO ca ngợi nỗ lực của VN về việc đưa ra những đề xuất mở cửa thị trường dịch vụ và hàng hóa.
Tháng 5-2005: Ban công tác tuyên bố VN cần kết thúc đàm phán song phương trong một vài tháng nếu muốn gia nhập WTO vào tháng mười hai.
Tháng 9-2005: Đàm phán về việc VN gia nhập WTO đạt bước tiến quan trọng khi Ban công tác lần đầu tiên xét duyệt báo cáo về việc VN gia nhập WTO.
Ngày 27-3-2006: Ban công tác tuyên bố đàm phán về việc VN gia nhập WTO bước vào “giai đoạn cuối”.
HIẾU TRUNG (Theo wto.org, mofa.gov)
Chuẩn bị hậu WTO Ông Nguyễn Đình Lương - nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt - My: Sớm công bố nội dung cam kết Trước sự kiện vừa là vận hội vừa là thách thức này, Chính phủ cần nhanh chóng công khai toàn bộ các cam kết đã thỏa thuận với Mỹ để các DN chuẩn bị phương án hậu WTO vì cam kết với Mỹ cũng chính là những cam kết cơ bản của VN khi gia nhập WTO. Ngoài ra, Chính phủ cần sơ bộ đưa ra những nhận định, đánh giá, dự báo những cam kết nào sẽ tạo cơ hội lớn cho nền kinh tế VN, cam kết nào sẽ tạo ra thách thức và cam kết nào trái với các qui định hiện hành trong hệ thống pháp luật của chúng ta. Ông Thomas O’Dore - trưởng đại diện Tập đoàn bảo hiểm Liberty Mutual tại Hà Nội: Rất vui! Các doanh nghiệp Mỹ có lý do để vui mừng hơn các đồng nghiệp VN vì lợi ích của chúng tôi khi VN gia nhập WTO sẽ lớn hơn nhiều so với của các bạn. Tuy nhiên, sự kiện này tạo điều kiện tuyệt vời cho bất cứ ai chuẩn bị sẵn sàng và biết tận dụng cơ hội. Bà Virginia Foote - chủ tịch Hội đồng thương mại Mỹ - Việt trả lời phóng viên AFP: Đỉnh cao của hội nhập Năm 2006 rõ ràng là năm đỉnh cao của VN về mặt hội nhập quốc tế. Chắc chắn sau đó VN sẽ phải đánh đổi, mức độ tùy thuộc vào các cải cách được tiến hành hiệu quả đến đâu và môi trường đầu tư của VN hấp dẫn ra sao. Ông Dominic Scriven - giám đốc Công ty quản lý quĩ Dragon Capital: Động lực mới đã xuất hiện Tác động theo hướng có lợi đầu tiên tôi nghĩ chính là tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài. Họ sẽ đứng trước bài tính rằng hàng hóa VN nay đã có thể bước chân vào nhiều thị trường hơn và đây chính là thời điểm để họ tăng cường đầu tư, lập nhà máy sản xuất để xuất khẩu bền vững. Cam kết của Chính phủ về nỗ lực gia nhập sân chơi toàn cầu nay đã thành hiện thực. NHƯ HẰNG - HƯƠNG GIANG ghi |
Theo (Nguồn: Tuổi Trẻ, IIC cập nhật ngày 14/05/2006)