Chỉ số cạnh tranh toàn cầu được xây dựng dựa trên 9 chỉ số thành phần, gồm thể chế, cơ sở hạ tầng, kinh tế vĩ mô, giáo dục và y tế phổ thông, giáo dục đại học, hiệu quả thị trường, độ sẵn sàng về kỹ thuật, mức độ hài lòng doanh nghiệp, và mức độ sáng tạo.
Với VN, yếu tố thể chế được xếp thứ 74, cơ sở hạ tầng 83, kinh tế vĩ mô 53, y tế và giáo dục phổ thông 56, giáo dục đại học xếp thứ 90, hiệu quả thị trường 73, độ sẵn sàng về công nghệ 85. Ở hai chỉ số còn lại, VN lần lượt xếp thứ 86 và 75.
Trong khối ASEAN, VN chỉ xếp trên Cambodia (xếp thứ 103). Singapore vẫn dẫn đầu về năng lực cạnh tranh trên toàn khối, tiếp theo lần lượt là Malaysia (26), Thái Lan (35), Indonesia (50), Philippines (71). WEF không xếp hạng Brunei, Lào và Myanmar.
Thụy Sĩ, Phần Lan và Thụy Điển lần lượt chiếm giữ 3 vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng năm nay. Theo WEF, thành công của 3 nước này có được là nhờ thể chế tốt và khả năng quản trị kinh tế vĩ mô rất cạnh tranh. Thêm vào đó, 3 quốc gia này còn được đánh giá cao trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ và phát minh.
7 nước tiếp theo nằm trong top 10 là Đan Mạch, Singapore, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hà Lan và Anh.
Đáng chú ý nhất là Mỹ - nước chiếm vị trí thứ hai năm ngoái - lại bị tụt tới 6 bậc trong bảng xếp hạng năm nay. Nguyên nhân chính, theo WEF, là sự mất cân đối của nền kinh tế nước này, trong đó đặc biệt là mức độ ngày một gia tăng của nợ công và tình trạng thâm hụt ngân sách.
VN chỉ xếp trên Cambodia trong khối ASEAN về năng lực cạnh tranh. Ảnh: Hoàng Hà.
Đứng đầu danh sách các nước và lãnh thổ châu Á có nền kinh tế cạnh tranh là Singapore và Nhật Bản. Trong đó, Singapore giữ nguyên vị trí thứ 5 của năm ngoái, Nhật tiến 5 bậc lên vị trí thứ 7.
Năm nay, Trung Quốc đã bị tụt tới 6 bậc từ vị trị 48 năm ngoái xuống còn 54 do sự sụt giảm lòng tin của người dân đối với thể chế công và lĩnh vực ngân hàng do nhà nước quản lý. Trong khi đó, Ấn Độ tiếp tục leo thêm 2 bậc, từ vị trí 45 lên 43, nhờ ghi điểm trong lĩnh vực sáng chế và quản trị công ty.
Nước có năng lực cạnh tranh kém nhất là Angola. Đây cũng là quốc gia lần đầu tiên được WEF xếp hạng trong năm nay và giữ vị trí 125 trong tổng số 125 nền kinh tế trong bảng xếp hạng.
WEF đã cung cấp báo cáo tính cạnh tranh của các nền kinh tế trên toàn cầu trong vòng 27 năm qua. Năm nay, WEF đã lấy ý kiến của trên 11.000 nhà lãnh đạo kinh doanh tại 125 nền kinh tế trên toàn cầu.