Moody’s cho rằng với nhận thức về rủi ro ngày càng được nâng cao cũng như mức tích lũy ngày càng tăng, thị trường bảo hiểm Châu Á – TBD sẽ vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, cho dù tốc độ tăng trưởng ở mỗi nước có thể khác nhau. Mức độ tăng trưởng của từng thị trường cũng phụ thuộc phần lớn vào môi trường hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở nước đó, mà môi trường kinh doanh lại chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: trình độ phát triển kinh tế, các yếu tố về chính trị, kết cấu hạ tầng hoạt động kinh doanh và môi trường pháp lý.
Trong những năm gần đây, tốc độ tự do hóa và mở cửa ở những thị trường trong khu vực ngày càng tăng, dẫn tới cạnh tranh cũng trở nên quyết liệt hơn và giảm dần số lượng các công ty bảo hiểm hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước (wholly state-owned insurers). Các công ty bảo hiểm nội địa trước kia vốn giữ vị thế độc quyền thì nay sẽ phải đương đầu với áp lực cạnh tranh rất lớn đến từ các công ty nước ngoài. Nhìn chung, tiến trình tự do hóa sẽ có một tác động tích cực tới thị trường bảo hiểm Châu Á – TBD, do có sự chuyển giao các nguồn tài chính, các kỹ năng cũng như bí quyết về công nghệ từ phía các công ty toàn cầu của nước ngoài.
Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, một số thị trường đã mở cửa đối với loại hình bảo hiểm hưu trí - một loại hình dịch vụ có triển vọng tăng trưởng cao. Các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư (investment-linked products) cũng ngày càng phát triển. Thêm vào đó, nếu như trước kia kênh phân phối qua đại lý chiếm vai trò chủ đạo thì nay, với sự phát triển của các kênh phân phối thay thế như kênh ngân hàng - bảo hiểm (bancassurance), kênh phân phối truyền thống này đã mất đi vị trí độc tôn ở hầu hết các thị trường bảo hiểm ở khu vực Châu Á – TBD.
Tuy nhiên, khả năng sinh lời của các công ty bảo hiểm nhân thọ ở một số thị trường đang giảm xuống do tỷ suất lợi nhuận âm. Song Moody’s cho rằng tình trạng này đang dần được cải thiện do có những động thái tích cực về lãi suất, sự nới lỏng các hạn chế về đầu tư cũng như sự mở rộng các sản phẩm đầu tư tài chính ở một số thị trường trong khu vực.
Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ (hay còn gọi là bảo hiểm tài sản và thiệt hại – Property and Casualty – P&C), nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới vẫn giữ vị trí quan trọng nhất, một phần là do luật pháp ở một số nước quy định bắt buộc chủ phương tiện phải mua bảo hiểm trách nhiệm đối với người thứ 3, dẫn đến nhu cầu đối với loại hình bảo hiểm này tăng mạnh. Nhưng Moody’s cho rằng trong tương lai, nghiệp vụ bảo hiểm có xu hướng phát triển mạnh sẽ là bảo hiểm cá nhân do thu nhập cá nhân ngày càng cao cộng với nhu cầu về đảm bảo thu nhập. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm cũng phải chú ý đến công tác phân tích rủi ro bởi tình trạng rủi ro mang tính chất thảm họa đang ở mức cao tại một số thị trường bảo hiểm trong khu vực.
Trên thực tế, có nhiều công ty bảo hiểm phi nhân thọ ở khu vực Châu Á – TBD đang phải nhờ tới sự hỗ trợ từ phía các công ty tái bảo hiểm để khai thác các hợp đồng bảo hiểm lớn. Do vậy, khả năng đáp ứng của các công ty tái bảo hiểm cũng có ảnh hưởng đáng kể đến việc định phí cũng như tới biên lợi nhuận của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong khu vực.
Nhìn chung, Moody’s cho rằng các công ty bảo hiểm ở khu vực Châu Á – TBD sẽ nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý vốn cũng như quản lý rủi ro và ở một số thị trường sẽ xuất hiện cơ chế quản lý vốn dựa trên đánh giá rủi ro (risk-based capital regime). Sự nới lỏng các hạn chế trong lĩnh vực đầu tư ở một số thị trường sẽ tạo ra những biến đổi nhất định trong cơ cấu đầu tư của các công ty bảo hiểm, tuy nhiên, các công ty này cũng phải đảm bảo quản lý tốt các hoạt động đầu tư của mình cũng như đảm bảo sự cân đối giữa tài sản với các khoản nợ phải trả.
Ở các nước trong khu vực hiện nay cũng đang diễn ra tình trạng thiếu minh bạch trong các báo cáo về tình hình tài chính, đặc biệt là ở những thị trường kém phát triển. Tình trạng thiếu minh bạch này sẽ khiến cho công tác phân tích các công ty bảo hiểm gặp rất nhiều khó khăn.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ khu vực Châu Á – TBD:
Tiếp tục tăng trưởng cùng với việc cải tiến các sản phẩm bảo hiểm và đa dạng hóa các kênh phân phối
Thị trường bảo hiểm nhân thọ khu vực Châu Á – TBD được nhận định là một thị trường phát triển nhanh và nhiều tiềm năng. Một số thị trường các nước như Đài Loan, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng hai con số về phí bảo hiểm trong một số năm trở lại đây. Tuy nhiên, tỷ lệ thâm nhập thị trường ở mỗi nước vẫn có sự chênh lệch khá rõ - tỷ lệ này được đo bằng tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm trên tổng thu nhập quốc dân (GDP).
Các thị trường của một số nước như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc có tỷ lệ thâm nhập thị trường bảo hiểm nhân thọ cao vào năm 2003, có thể so sánh được với các thị trường phát triển trên thế giới như Mỹ (4,38%) và Anh (8,62%). Những nước này có thị trường bảo hiểm phát triển hơn những nước khác trong khu vực, với tỷ lệ dân số sử dụng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ lớn. Tuy nhiên, trước tình hình dân số đang già đi cùng với nhu cầu được bảo vệ cũng như quản lý thu nhập cá nhân ngày càng cao ở những nước này thì thị trường bảo hiểm vẫn còn nhiều cơ hội để khai thác các dạng sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ (protect-type products), ví dụ như bảo hiểm sức khỏe và tai nạn.
Mặt khác, các nước như Indonesia, Philippines và Việt Nam là những nước có thị trường bảo hiểm với tỷ lệ thâm nhập dân cư thấp, ở mức dưới 1%. Ở các thị trường này, mới chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ dân cư sử dụng các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, do vậy tiềm năng khai thác mọi loại hình bảo hiểm những thị trường này là vô cùng to lớn.
Tuy nhiên, tỷ lệ thu nhập khả dụng tương đối của người dân thấp cũng như tình trạng cơ sở hạ tầng cho hoạt động tài chính còn sơ sài – xét theo mức độ hiệu quả của cơ chế quản lý cũng như hệ thống pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm - sẽ gây nhiều trở ngại cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm tại các nước này.
Moody’s cho rằng trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm nhân thọ các nước khu vực Châu Á – TBD sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng, mặc dù mức độ tăng trưởng có sự khác nhau giữa các nước. Sự phát triển của từng thị trường cũng phụ thuộc vào môi trường hoạt động kinh doanh bảo hiểm ở nước đó, mà môi trường thì lại chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: trình độ phát triển kinh tế, các yếu tố về chính trị, kết cấu hạ tầng hoạt động kinh doanh cũng như môi trường pháp lý.
Thêm vào đó, những sự kiện nổi bật xảy ra gần đây như sự lan tràn dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) vào năm 2003 và thảm họa sóng thần xảy ra vào tháng 12 năm 2004 đã giúp nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của việc mua bảo hiểm để hạn chế tổn thất khi rủi ro xảy ra.
TIẾN TRÌNH TỰ DO HÓA ĐƯỢC ĐẨY NHANH
Tình hình cạnh tranh gay gắt
Thị trường bảo hiểm các nước thuộc khu vực Châu Á - TBD đang dần mở cửa với sự nới lỏng sự hạn chế trong hoạt động kinh doanh đối với các công ty bảo hiểm nước ngoài với tỷ lệ góp vốn nước ngoài trong doanh nghiệp liên doanh ngày càng tăng, đặc biệt là ở những thị trường độc quyền trước đây. Hãy lấy thị trường Trung Quốc làm ví dụ, khi Trung Quốc mở cửa thị trường bảo hiểm vào năm 2001 theo lộ trình gia nhập WTO của nước này thì bước đầu, các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài mới chỉ được phép hoạt động hạn chế ở các thành phố như Thượng Hải, Quảng Châu, Đại Liên, Thẩm Quyến và Foshan. Nhưng đến ngày 11/12/2004, hầu hết những hạn chế này đã được gỡ bỏ. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng mở rộng phạm vi các dịch vụ mà công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài được phép cung cấp ở thị trường nước này, bao gồm bảo hiểm nhóm, bảo hiểm sức khỏe và hưu trí/niên kim.
Ở Ấn Độ, hiện tại tỷ lệ góp vốn vào các công ty bảo hiểm liên doanh được cho phép ở mức 26%, nhưng, như chính phủ nước này đã cam kết vào năm 2004 thì mức góp vốn này sẽ lên đến 49%. Và với lộ trình đề xuất gia nhập WTO của Việt Nam trong một vài năm tới, mức độ tham gia của các công ty bảo hiểm nước ngoài vào thị trường này sẽ tăng lên đáng kể.
Như một quy luật, khi tự do hóa được đẩy mạnh thì cạnh tranh cũng sẽ trở nên gay gắt hơn. Các công ty bảo hiểm nội địa giữ vị trí độc quyền trước đây sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đến từ phía các công ty bảo hiểm nước ngoài.
Moody’s cho rằng tiến trình tự do hóa sẽ có ảnh hưởng tích cực tới thị trường bảo hiểm khu vực Châu Á – TBD, một phần là do có sự chuyển giao các nguồn tài chính cũng như các kỹ năng và bí quyết về công nghệ của các công ty toàn cầu của nước ngoài. Các sản phẩm bảo hiểm phức tạp hơn xuất hiện sẽ tăng khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của đông đảo các tầng lớp dân cư cũng như thúc đẩy sự phát triển các tiêu chuẩn chung đối với ngành bảo hiểm ở các nước này.
Giảm dần số lượng các công ty bảo hiểm hoàn toàn thuộc sở hữu Nhà nước
Khi thị trường bảo hiểm mở cửa cũng là lúc hình thức sở hữu với 100% vốn nhà nước ở một số công ty chuyển sang một cơ cấu khác đa dạng hơn với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, Công ty bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc, công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu của Trung Quốc, là công ty với 100% vốn thuộc sở hữu nhà nước cho tới tháng 12/2003, khi công ty này niêm yết chứng khoán của mình trên thị trường chứng khoán New York và Hồng Kông. Ở thị trường Việt Nam, vào năm 2004, Công ty bảo hiểm Bảo Minh - trước kia hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước và là một trong số các công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam - đã bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước xuống còn 70%.
Khi các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phiếu với tỷ lệ cao hơn thì mức độ ảnh hưởng của nhà nước sẽ giảm xuống nhưng điều này sẽ chỉ xảy ra với tốc độ chậm. Những công ty nội địa cũng có thế mạnh hơn các công ty bảo hiểm nước ngoài mới gia nhập do có mạng lưới phân phối đã được thiết lập từ trước cùng với lượng khách hàng đông đảo.
NHỮNG CẢI TỔ VỀ CHÍNH SÁCH HƯU TRÍ TẠO NHIỀU CƠ HỘI CHO CÁC CÔNG TY BẢO HIỂM
Lĩnh vực bảo hiểm hưu trí ở các thị trường trong khu vực đang được mở cửa, đây là một lĩnh vực bảo hiểm quan trọng nhất đối với sự phát triển của cả thị trường. Ở Trung Quốc, hệ thống trợ cấp trọn đời của Nhà nước (cradle-to-grave state welfare system) đã bị hủy bỏ. Việc cung cấp các loại hình trợ cấp sẽ dần dần chuyển sang cho các nhà cung cấp tư nhân. Cơ chế truyền thống của nhà nước đã trở nên không còn hiệu qủa khi nhu cầu được chăm sóc của những người nghỉ hưu ngày càng cao. Chính việc giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống trợ cấp xã hội của nhà nước đã tạo cơ hội cho các công ty bảo hiểm nhân thọ của Trung Quốc cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ nhóm cho các tổ chức đang muốn cải thiện lợi ích cho lực lượng lao động đang ngày càng đông đảo của mình, cũng như cung cấp sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và hưu trí cho những người có tuổi.
Tương tự Trung Quốc, thị trường cho lĩnh vực bảo hiểm hưu trí ở Đài Loan cũng đang trải qua những thay đổi to lớn. Kể từ ngày 1/7/2005, những tổ chức có quy mô lớn (được định nghĩa là những tổ chức có trên 200 nhân viên) được quyền lựa chọn giữa cơ chế hưu trí của nhà nước và các chương trình bảo hiểm hưu trí của các công ty bảo hiểm tư nhân. Sắp tới, luật hưu trí của Hàn Quốc cũng sẽ được sửa đổi. Theo đó, các công ty có thể trang trải những chi phí liên quan đến hưu trí cho nhân viên của mình qua các loại hình bảo hiểm để thay thế cho cách làm cũ là tự trích quỹ dự phòng. Theo nhận định của Moody’s thì việc cải tổ chính sách hưu trí ở khu vực Châu Á – TBD sẽ tạo điều kiện thuận lợi cũng như làm tăng triển vọng phát triển của bảo hiểm nhân thọ.
TÌNH TRẠNG TỶ SUẤT LỢI NHUẬN ÂM ĐANG DẦN ĐƯỢC CẢI THIỆN
Khả năng sinh lời của các công ty bảo hiểm nhân thọ ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc nhìn chung đều đi xuống do tỷ suất lợi nhuận âm (negative spread burden), từ đó làm giảm đáng kể tính linh hoạt trong hoạt động tài chính của những công ty này.
Trước đây, một số công ty bảo hiểm ở các nước này đã cấp những đơn bảo hiểm dài hạn với lãi suất cao nhằm chiếm lĩnh thị phần. Và sau đó khi lãi suất ngân hàng giảm dưới mức lãi suất cam kết trong đơn bảo hiểm, cộng với sự hạn chế của các hình thức đầu tư, các công ty này đã không thể chi trả các khoản tiền như đã cam kết và đã gánh chịu những tổn thất nặng nề. Ở Trung Quốc chẳng hạn, các công ty bảo hiểm nhân thọ đã từng cấp những đơn bảo hiểm với lãi suất tới trên 9% vào thập kỷ 90.
Tuy nhiên, Moody’s cho rằng tình trạng tỷ suất lợi nhuận âm đang được cải thiện dần, do các nguyên nhân sau:
[1] các thị trường đều xuất hiện các sản phẩm thay thế với rủi ro đầu tư thấp hơn, như các sản phẩm nhằm mục đích bảo vệ hay các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư;
[2] các công ty cấp các đơn bảo hiểm truyền thống với mức lãi suất thấp hơn;
[3] môi trường đầu tư đang được cải thiện;
[4] nhận thức về rủi ro tăng cộng với việc các công ty bảo hiểm đã tập trung vào công tác quản lý tài sản và nguồn vốn tốt hơn; và
[5] sự can thiệp của chính phủ trong việc duy trì mức lãi suất trần (maximum guarantee rates) ở một số lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, lấy ví dụ, chính phủ Trung Quốc đã can thiệp để duy trì mức lãi suất cam kết trần ở mức 2,5% vào tháng 6/1999. Nhìn chung, tỷ lệ các doanh nghiệp đang phải vật lộn với tỷ suất lợi nhuận âm sẽ giảm dần theo thời gian, mặc dù vậy, ở các thị trường khác nhau thì tốc độ giảm cũng sẽ khác nhau.
CÁC SẢN PHẨM BẢO HIỂM LIÊN KẾT ĐẦU TƯ NGÀY CÀNG ĐƯỢC ƯA CHUỘNG
Các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đang ngày càng được ưa chuộng trên thị trường khu vực Châu Á – TBD và được coi là một sản phẩm thay thế cho việc gửi tiền ngân hàng vốn chỉ mang lại khoản lãi suất thấp, ổn định. Doanh thu phí từ những sản phẩm mới này đã tăng từ mức không đáng kể vào 5 năm trước đến mức từ 5-10% tổng doanh thu phí bảo hiểm hiện nay.
Sự phát triển của các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đã được thúc đẩy bởi tỷ lệ lãi suất ngân hàng thấp trong những năm trở lại đây. Từ góc độ của công ty bảo hiểm nhân thọ thì những sản phẩm này ưu việt hơn do không đòi hỏi nhiều vốn như các đơn bảo hiểm truyền thống và rủi ro trong đầu tư cũng thấp hơn. Tuy nhiên, do đối với loại hình sản phẩm này, rủi ro sẽ thuộc về phía những người tham gia bảo hiểm thay vì công ty bảo hiểm, Moody’s cũng khuyến cáo rằng các công ty bảo hiểm phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin minh bạch về sản phẩm cho người tham gia bảo hiểm.
KÊNH PHÂN PHỐI NGÂN HÀNG - BẢO HIỂM (BANCASSURANCE) ĐANG NGÀY CÀNG TRỞ NÊN QUAN TRỌNG
Kênh phân phối truyền thống qua đại lý đến nay vẫn giữ vai trò chủ đạo trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ ở hầu hết các thị trường khu vực Châu Á – TBD. Tuy nhiên, kênh phân phối truyền thống này đã mất đi vị trí độc tôn khi xuất hiện những kênh phân phối thay thế như kênh ngân hàng - bảo hiểm (Bancassurance) với tầm quan trọng ngày càng lớn.
Ở Đài Loan, bancassurance tuy chỉ mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây nhưng cũng đã đóng góp khá nhiều vào tổng doanh thu phí bảo hiểm với 30% phí thu được là từ kênh phân phối này vào năm 2003. Một số công ty bảo hiểm lớn khác như Cathay, Shin Kong và Fubon, cũng đang phát triển ngày càng mạnh hình thức phân phối bancassurance bởi những công ty này có thuận lợi đó là thuộc sự quản lý của các công ty nắm vốn (Financial Holding Company – FHC) với những đối tác có vốn góp là các ngân hàng. Tuy nhiên, các công ty nắm vốn không phải là cách thức tiếp cận duy nhất tới kênh bancassurance. Các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng được phép cung cấp sản phẩm bảo hiểm qua các ngân hàng không trong cùng một tổ chức.
Bancassurance cũng xuất hiện ở Hàn Quốc từ tháng 9/2003, kênh phân phối này giúp cho các tổ chức tài chính như ngân hàng, các công ty môi giới và các công ty quản lý quỹ mà đã đáp ứng được những yêu cầu nhất định về mặt pháp lý, có thể bán các sản phẩm bảo hiểm. Từ ngày 1/9/2003 đến ngày 31/12/2004, phí bảo hiểm nhân thọ qua kênh phân phối bancassurance đã đạt tới 2,45 nghìn tỷ uôn, tương đương với 7,7% tổng phí bảo hiểm thu được. Ở Trung Quốc, tỷ lệ phí bảo hiểm thu được qua kênh bancassurance đã tăng vọt từ 3% trên tổng doanh thu phí vào năm 2001 lên tới 25% vào năm 2003.
Một nguy cơ có thể phát sinh từ kênh phân phối này đó là các công ty bảo hiểm có thể quá vội vã trong việc cung cấp các sản phẩm tiết kiệm với mức lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi ngân hàng để thu hút sự quan tâm của khách hàng và cạnh tranh với ngân hàng. Moody’s cho rằng nếu được điều hành tốt thì mức lãi suất cao hơn này sẽ giúp các công ty bảo hiểm chiếm lĩnh thị phần, nhưng các công ty bảo hiểm cũng phải nhận thức rõ được rủi ro, vạch ra những phương án hợp lý và thực tế để phòng tránh và giảm thiểu những rủi ro này cũng như những thiệt hại mà nó mang lại. Kinh nghiệm từ tình trạng lãi suất âm trong những năm gần đây là một minh chứng rõ ràng nhất cho những vấn đề có thể nảy sinh khi nâng mức lãi suất cam kết trong hợp đồng bảo hiểm quá cao.
KHI CÁC LOẠI HÌNH SẢN PHẨM LUÔN LUÔN PHÁT TRIỂN THÌ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO ĐẠI LÝ CÀNG TRỞ NÊN QUAN TRỌNG
Trước tình hình các loại sản phẩm phi truyền thống ngày càng phát triển đa dạng, cùng với sự ra đời của các loại hình phân phối thay thế, thì các đại lý phải luôn cập nhật những hiểu biết, kiến thức của mình để đáp ứng được yêu cầu mới. Các công ty bảo hiểm phải nhận thức được tầm quan trọng của việc bồi dưỡng kỹ năng cho các đại lý một cách thường xuyên. Các đại lý cũng cần được bồi dưỡng theo hướng xây dựng nền văn hóa kinh doanh chuyên nghiệp hơn với phương châm coi khách hàng là trung tâm.
TÌNH TRẠNG THIẾU MINH BẠCH TRONG BÁO CÁO TÀI CHÍNH
Nhìn chung, sự minh bạch về tình hình tài chính của các công ty bảo hiểm trong khu vực còn hạn chế, đặc biệt là ở những thị trường kém phát triển hơn. Tình trạng thiếu minh bạch này khiến cho việc phân tích các công ty bảo hiểm gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, Moody’s cho rằng tình trạng này sẽ sớm được cải thiện khi
[1] các thị trường này áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về tài chính hay về pháp lý cũng như áp dụng các phương pháp tổ chức kinh doanh tiên tiến;
[2] ngày càng nhiều chứng khoán của các công ty bảo hiểm được niêm yết trên các thị trường chứng khoán - cả trong lẫn ngoài nước;
[3] việc phát hành các chứng từ nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Sự tham gia ngày càng sâu vào thị trường vốn của các công ty bảo hiểm sẽ giúp cho các phân tích cũng như các nhà đầu tư có thể theo dõi, giám sát và phân tích chặt chẽ, chính xác hơn tình hình tài chính của các công ty này. Do vậy, các công ty bảo hiểm sẽ phải quan tâm hơn đến công tác quản lý tài chính và rủi ro cũng như phải thực hiện những quy tắc nhất định về báo cáo tài chính để đáp ứng những yêu cầu được niêm yết chứng khoán. Ở Trung Quốc trong những năm vừa qua, các công ty bảo hiểm hàng đầu ở nước này đã tiến hành niêm yết chứng khoán, đó là Công ty bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc vào tháng 11/2003, Công ty bảo hiểm nhân thọ Trung Quốc vào tháng 12/2003, Công ty bảo hiểm Ping An Trung Quốc vào tháng 6/2004.
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ khu vực Châu Á – TBD: Triển vọng phát triển cho các loại hình bảo hiểm cá nhân và yêu cầu ngày càng tăng đối với công tác quản lý rủi ro
Các thị trường bảo hiểm phi nhân thọ các nước thuộc khu vực Châu Á – TBD có trình độ phát triển khá chênh lệch, xét trên góc độ thành phần kết cấu thị trường, các loại hình và độ phức tạp của sản phẩm, mức độ tự do hóa và cạnh tranh, cũng như mức độ tương thích của hệ thống luật pháp với tập quán kinh doanh quốc tế.
Những thị trường được nghiên cứu trong bản báo cáo này bao gồm từ Australia, thị trường phát triển nhất, cho đến Việt Nam, Indonesia và Philippines, là những thị trường kém phát triển nhất. Những thị trường còn lại như Đài Loan, Nhật Bản và Singapore có trình độ phát triển khá, xếp sau Australia, còn thị trường Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang vươn lên mạnh mẽ để gia nhập tốp trên.
Tỷ lệ thâm nhập thị trường, được đo bằng tỷ lệ phần trăm phí bảo hiểm/GDP, cũng rất chênh lệch giữa các thị trường trong khu vực. Đài Loan là thị trường có tỷ lệ thâm nhập thị trường bảo hiểm phi nhân thọ cao nhất với 3,02% vào năm 2003, nhưng vẫn là rất thấp so với các thị trường bảo hiểm lâu đời hơn như Mỹ (5,23%) và Anh (4,75%). Trong khi đó, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam, Ấn Độ và Philippines có tỷ lệ thâm nhập thấp nhất với lần lượt là 0,57%; 0,62%; 0,61%. Tương tự như đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ thì thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở khu vực Châu Á – TBD còn rất nhiều tiềm năng để phát triển do trình độ nhận thức về rủi ro ngày càng cao và triển vọng tăng trưởng kinh tế lớn.
Chúng tôi cho rằng trong tương lai, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ khu vực Châu Á – TBD sẽ có những thay đổi đáng kể về môi trường kinh doanh, với mức độ và tốc độ thay đổi khác nhau ở mỗi nước. Nếu như ở các thị trường phát triển, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tập trung vào việc nâng cao các tiêu chuẩn chung về công tác quản lý rủi ro, thì các thị trường kém phát triển hơn sẽ cải thiện môi trường hoạt động kinh doanh cùng với những thay đổi về hệ thống luật pháp. Các doanh nghiệp bảo hiểm ở những thị trường kém phát triển hơn cũng sẽ liên kết, sáp nhập để đối phó với áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt từ phía các công ty bảo hiểm nước ngoài.
SẼ CÓ NHỮNG THAY ĐỔI ĐÁNG KỂ VỀ KẾT CẤU THỊ TRƯỜNG
Giảm dần số lượng các công ty hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước
Khi thị trường ngày càng phát triển hơn với mức độ bảo hộ ngày càng giảm thì số lượng các công ty bảo hiểm hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước cũng giảm dần. Ví dụ, trước đây Công ty bảo hiểm phi nhân thọ Nhân dân Trung Quốc là công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất trên thị trường Trung Quốc với 100% vốn thuộc sở hữu nhà nước. Nhưng công ty này đã được cổ phần hóa vào năm 2003.
Ở Việt Nam, công ty Bảo Minh, trước đây cũng là công ty 100% vốn thuộc sở hữu nhà nước, cũng đã tiến hành cổ phần hóa vào năm 2004 và theo đó, bán một tỷ lệ cổ phiếu cho các nhà đầu tư và giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước xuống còn 70%. Moody’s cho rằng đối với những công ty bảo hiểm lớn trước kia thuộc sự quản lý của nhà nước thì sẽ rất khó khăn để có thể thích nghi nhanh chóng và tham gia vào tiến trình hội nhập quốc tế trong ngành bảo hiểm.
Xu hướng liên kết, sáp nhập ngày càng phổ biến.
Ở một số thị trường, số lượng các công ty bảo hiểm dường như trở nên quá nhiều, vượt quá dung lượng thị trường, tuy nhiên, sự thực thì chỉ có một số ít các công ty lớn - thường là các công ty nội địa - chiếm lĩnh hầu hết thị phần. Ví dụ, ở Hồng Kông có tới trên 110 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, song nếu chỉ xét riêng 10 công ty hàng đầu tại Hồng Kông đã chiếm 37% thị phần vào năm 2003.
Ở Thái Lan có hơn 70 công ty bảo hiểm phi nhân thọ thì 10 công ty bảo hiểm lớn nhất (trong đó có 6 là công ty nội địa) đã chiếm tới hơn 50% thị phần vào năm 2004, những công ty còn lại mỗi công ty chiếm trung bình khoảng 2% thị phần. Moody’s cho rằng trong tương lai, với sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của các công ty nước ngoài và cạnh tranh ngày càng gay gắt thì giữa các công ty bảo hiểm trong nước, đặc biệt là các công ty nhỏ, sẽ xuất hiện xu hướng liên kết, sáp nhập.
Trong những năm gần đây, tốc độ tự do hóa đã được đẩy nhanh ở các nước thuộc khu vực Châu Á – TBD như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam, những thị trường mà trước kia hoàn toàn đóng cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, nước này đã nới lỏng các quy định về hoạt động kinh doanh đối với các công ty bảo hiểm nước ngoài, cả về địa bàn hoạt động lẫn phạm vi sản phẩm được phép cung cấp.
Sau khi Ấn Độ mở cửa thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của mình vào năm 2000 thì đã có 7 công ty có vốn liên doanh nước ngoài được thành lập. Thị trường Việt Nam cũng sẽ mở cửa hơn nữa theo lộ trình gia nhập WTO mà nước này dự định vào cuối năm 2005.
Khi thị trường bảo hiểm Châu Á – TBD được mở cửa cho các công ty toàn cầu danh tiếng và được tổ chức tốt thì cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn. Theo nhận định của chúng tôi thì nhìn chung, các công ty bảo hiểm nội địa lớn đã có một vị thế vững chắc trên thị trường với mạng lưới phân phối đã được xây dựng từ lâu và đông đảo khách hàng sử dụng thì có thể tự mình có đủ khả năng cạnh tranh. Trong khi đó, các công ty bảo hiểm nhỏ hơn, dưới áp lực cạnh tranh khốc liệt, sẽ phải liên kết, sáp nhập với nhau nếu không muốn phải rời bỏ thị trường.
TÌNH HÌNH KINH DOANH TRÊN THỊ TRƯỜNG
Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới chiếm vị trí chủ đạo
Nghiệp vụ bảo hiểm chiếm vị trí chủ đạo trên hầu hết các thị trường trong khu vực là bảo hiểm xe cơ giới, chiếm trung bình khoảng 60-70% tổng phí thu được. Điều này được giải thích phần nào là do luật pháp một số nước quy định chủ phương tiện bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba, dẫn tới nhu cầu cho loại dịch vụ bảo hiểm này tăng mạnh. Nhìn chung thì đây là loại dịch vụ bảo hiểm có thời hạn ngắn và rủi ro thấp, tuy nhiên, ở một số thị trường, tỷ lệ bồi thường cho loại hình dịch vụ này đang ngày càng tăng. Tình trạng này chủ yếu là do trình độ quản lý giải quyết khiếu nại kém và tình trạng trộm cắp xe. Để đối phó với tình trạng này, Hiệp hội bảo hiểm phi nhân thọ của Malaysia và Singapore đã áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao trình độ khai thác và giải quyết khiếu nại đối với loại hình dịch vụ bảo hiểm xe cơ giới. Tuy nhiên, cũng chưa thể kết luận được ngay là những biện pháp này có thể giúp kiểm soát tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe cơ giới hay không.
Các nghiệp vụ bảo hiểm cá nhân sẽ phát triển mạnh
Khi thị trường bảo hiểm phát triển và thu nhập của người dân tăng thì nhu cầu đối với các loại hình bảo hiểm cá nhân sẽ tăng đáng kể, bao gồm bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm tài sản. Các doanh nghiệp cũng đã có nhận thức tốt hơn về rủi ro và mua bảo hiểm cho các nhân viên của mình.
Trong tương lai, các loại hình bảo hiểm cá nhân sẽ tăng trưởng mạnh, do thu nhập cá nhân ngày càng cao và nhu cầu đảm bảo doanh thu của doanh nghiệp.
Các thảm họa thiên nhiên liên tục xảy ra
Nhiều nước trong khu vực như Đài Loan, Nhật Bản, Australia và Trung Quốc đang phải gánh chịu tổn thất nặng nề từ những thảm họa thiên nhiên như bão, lũ lụt, động đất và cháy rừng (đặc biệt ở Australia). Ví dụ, trận lũ lụt xảy ra ở tỉnh Shaanxi ở Tây Bắc Trung Quốc năm 2003 đã gây ra thiệt hại về kinh tế lên tới hơn 1 tỷ đô la Mỹ và khiến cho nửa triệu người lâm vào cảnh mất nhà cửa. Thảm họa sóng thần xảy ra vào tháng 12/2004 gây ảnh hưởng tới hàng loạt quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Băng La Đét. Tuy nhiên, trận sóng thần này cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của các công ty bảo hiểm do những khu vực bị ảnh hưởng hầu hết là không mua bảo hiểm hoặc mua bảo hiểm dưới giá trị.
Moody’s cho rằng nhu cầu bảo hiểm sẽ tăng lên, đặc biệt là đối với các rủi ro do thảm họa thiên nhiên gây ra, khi nhận thức của người dân đối với tầm quan trọng của bảo hiểm được nâng cao. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm cũng phải đảm bảo khả năng quản lý rủi ro của mình trong bối cảnh rủi ro đang ngày càng tăng như hiện nay. Hoạt động tái bảo hiểm có hiệu quả sẽ là rất quan trọng đối với công tác quản lý rủi ro, với sự hỗ trợ từ phía các công ty tái bảo hiểm nước ngoài.
CHÊNH LỆCH VỀ CHU KỲ TĂNG GIẢM PHÍ TRÊN CÁC THỊ TRƯỜNG
Tỷ lệ phí bảo hiểm ở các thị trường khác nhau có sự khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm và tình hình hoạt động kinh doanh cũng như mức độ cạnh tranh ở mỗi thị trường. Ví dụ, tỷ lệ phí bảo hiểm ở thị trường bảo hiểm phi nhân thọ của Úc có dấu hiệu giảm xuống trong mùa tái tục 2004/5 gần đây. Tốc độ tăng tỷ lệ phí cho các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm đã giảm từ 30% năm 2002 xuống dưới 10% vào năm 2004. Tuy nhiên, Moody’s cho rằng lợi nhuận của các công ty bảo hiểm của Úc sẽ vẫn được duy trì do các công ty này có chiến lược khai thác bền vững.
Mặt khác, Moody’s cũng tin rằng phí bảo hiểm sẽ tăng, đặc biệt ở loại hình bảo hiểm tài sản và động đất ở những nước chịu ảnh hưởng của sóng thần vừa qua như Thái Lan. Tuy nhiên, thị trường khu vực vẫn còn thiếu trình độ trong việc định phí, do vậy sẽ dẫn tới việc định phí không chính xác đối với những đơn bảo hiểm thảm họa thiên nhiên.
SỰ CHUYỂN ĐỔI TỪ CƠ CHẾ QUẢN LÝ VỐN DỰA TRÊN KHẢ NĂNG THANH TOÁN SANG CƠ CHẾ QUẢN LÝ DỰA TRÊN PHÂN TÍCH RỦI RO
Một vài thị trường phát triển trong khu vực đang chuẩn bị hoặc đã bắt đầu áp dụng cơ chế quản lý vốn dựa trên rủi ro (risk-based capital regulatory regime). Cơ chế này đặt ra những yêu cầu tối thiểu về vốn đối với một công ty bảo hiểm sao cho phù hợp với loại hình hoạt động kinh doanh và cơ cấu rủi ro của công ty đó. Một số thị trường đã và chuẩn bị áp dụng cơ chế này là Úc, Nhật Bản, Singapo và Đài Loan.
Moody’s đánh giá cao động thái này của các nhà lập pháp trong nỗ lực xây dựng cơ chế quản lý vốn dựa trên rủi ro trên cơ sở phù hợp với tình hình kinh doanh của từng công ty bảo hiểm. Từ đó, những công ty được cấp phép hoạt động ở những thị trường này sẽ có sự quan tâm và nhận thức cao hơn về công tác quản lý rủi ro và quản lý vốn, từ đó, sẽ hoạt động hiệu quả hơn.
Mặt khác, cơ chế quản lý vốn dựa trên khả năng thanh toán vẫn được áp dụng ở một số thị trường kém phát triển hơn. Cơ chế này dễ áp dụng hơn nhưng không thích hợp cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ. Về lâu dài, những thị trường này cũng sẽ áp dụng cơ chế quản lý vốn dựa trên rủi ro.
CƠ CẤU ĐẦU TƯ NHÌN CHUNG CÒN THẬN TRỌNG
Tình hình đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khu vực Châu Á – TBD nhìn chung còn cứng nhắc, thận trọng. Hầu hết các khoản đầu tư của các công ty này là vào tiền gửi và các loại chứng khoán với lãi suất cố định. Tính trung bình tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu chỉ chiếm khoảng 10 đến 15% tổng nguồn vốn đầu tư. Chỉ trừ có thị trường Nhật Bản với tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu ở mức khá cao, khoảng 30% tổng nguồn vốn đầu tư. Nhìn chung, không có sự mất cân đối giữa tài sản và nợ ở các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong khu vực bởi bản chất của các hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ thường là có thời hạn ngắn, cùng với cơ cấu đầu tư thận trọng.
Khi môi trường đầu tư được cải thiện, các công ty bảo hiểm sẽ đầu tư mạnh hơn vào cổ phiếu để tăng hiệu quả đầu tư, bất chấp tính không ổn định của kênh đầu tư này. Ở Trung Quốc, các công ty bảo hiểm buộc phải áp dụng cơ cấu đầu tư thận trọng chủ yếu là do những quy định chặt chẽ của chính phủ hạn chế hoạt động đầu tư chứ không phải xuất phát từ chiến lược thận trọng của các công ty này. Tuy nhiên, những hạn chế này cũng đang dần dần được gỡ bỏ. Các công ty bảo hiểm Trung Quốc nay đã có thể đầu tư trực tiếp vào các cổ phiếu hay đầu tư ra nước ngoài. Ở Đài Loan, các công ty bảo hiểm sẽ được phép đầu tư tới 50% tổng nguồn vốn đầu tư của mình ra nước ngoài thay vì 35% như hiện nay.
Trong tương lai, khi các cơ hội đầu tư ngày càng được mở rộng ở hầu hết các thị trường, Moody’s cho rằng sẽ có nhiều sự thay đổi trong cơ cấu đầu tư của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong khu vực. Nhưng các công ty vẫn phải chú trọng quản lý tốt các rủi ro trong đầu tư, cũng như đảm bảo sự cân đối giữa tài sản và các khoản nợ.
NQH – PCV
Theo Báo cáo của Moody’s – 8/2005