Không rơi vào kịch bản “tăng nóng giảm sốc”, nhiều cổ phiếu sàn UPCoM đã vững vàng thiết lập mức tăng giá từ 200 - 400% trong 6 tháng đầu năm 2017. Nhờ diễn biến giao dịch ổn định, nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu này đã không phải trải qua tâm lý lo mất mát.
Với biên độ giá cao hơn so với 2 sàn niêm yết, tăng giá khủng là “đặc sản” của sàn UPCoM, tuy nhiên, không nhiều cổ phiếu duy trì đà tăng hoặc giữ giá cao trong thời gian dài. Dù vậy, nửa đầu năm nay, một số cổ phiếu có câu chuyện riêng (chủ đạo vẫn là sự đột phá về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp) đã tăng giá mạnh và không bị điều chỉnh quá sâu khi hết “sóng”.
Với mức giá 12.000 đồng/CP khi chốt phiên giao dịch ngày 22/6, cổ phiếu SDJ là quán quân tăng giá trên UPCoM trong 6 tháng qua, với mức tăng trưởng 400%, gấp 5 lần giá đầu năm (2.400 đồng/CP). Diễn biến tăng giá của SDJ được đánh giá có sự hỗ trợ bởi thông tin kết quả kinh doanh 2016.
Năm 2016, hoạt động kinh doanh của SDJ chuyển biến rõ rệt. Doanh thu đạt 155,8 tỷ đồng, tăng gần 50 tỷ đồng; lợi nhuận đạt hơn 1,5 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2015. Công ty cho biết đã thu hồi được một phần công nợ (còn hơn 50 tỷ đồng chưa thu hồi), thanh lý một số tài sản có giá trị và quyết toán nhiều công trình thi công trước đó như công trình Đường tránh Hà Tĩnh, Cầu Phú Sơn, các trạm phát sóng Viettel... Năm 2017, SDJ đặt kế hoạch doanh thu 152,2 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2 tỷ đồng.
Trường hợp khác, cổ phiếu DC1 của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng số 1 chỉ có giá 3.000 đồng/CP vào đầu năm cũng đã bật tăng mạnh sau khi sức khỏe tài chính doanh nghiệp được cải thiện.
Tại thời điểm chào sàn UPCoM (tháng 7/2016), DC1 lỗ lũy kế hơn 7 tỷ đồng, tương đương gần một nửa vốn góp (15 tỷ đồng), cổ phiếu chào sàn với giá thấp kỷ lục 5.100 đồng/CP và tiếp tục giảm mạnh sau đó. Tuy nhiên, chỉ trong tháng 3/2017, giá cổ phiếu này bất ngờ tăng từ 3.000 đồng/CP lên hơn 20.000 đồng/CP.
Đây là thời điểm báo cáo kết quả hoạt động năm 2016 được công bố với con số lãi ròng gần 9 tỷ đồng, vượt 118% kế hoạch. Giá cổ phiếu DC1 sau đó giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức 13.000 đồng - 15.000 đồng/CP. Tính chung từ đầu năm, DC1 vẫn tăng giá trên 300%.
Không chỉ cổ phiếu của các doanh nghiệp nhận được kỳ vọng từ sự hồi phục sau thời gian khủng hoảng (như SDJ, DC1, TTR), một số cổ phiếu khác có yếu tố cơ bản tốt như SGR, ABI cũng tăng giá mạnh.
Cổ phiếu SGR của Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn gây chú ý khi tăng giá hơn 250% từ đầu năm đến nay. Từ mức hơn 20.000 đồng/CP lên mức trên 70.000 đồng/CP các phiên gần đây. Nguyên nhân cho sự hồi sinh của cổ phiếu đã lên UPCoM từ năm 2015 chính là kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp này.
Năm 2016, doanh thu SGR đạt 1.079 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 273 tỷ đồng, gấp nhiều lần kết quả thực hiện năm 2015 (128,3 tỷ đồng doanh thu và 19,8 tỷ đồng lợi nhuận ròng).
Sau năm 2016 thành công, SGR tiếp tục công bố kết quả quý I/2017 khởi sắc với doanh thu 58 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 15,6 tỷ đồng. Lợi nhuận quý I của SGR mới chiếm khoảng 8% kế hoạch cả năm, nhưng nếu so với số lãi hơn 1 tỷ đồng cùng kỳ, SGR đã có quý I khác hẳn, khiến nhà đầu tư không ngần ngại giải ngân vào mã này.
Không tăng khủng như các cổ phiếu trên, tuy nhiên, diễn biến giao dịch ABI cũng rất chiều lòng nhà đầu tư, đồ thị giá gần như chỉ một chiều đi lên trong nửa đầu năm nay và đặc biệt thu hút dòng tiền lớn đổ vào từ đầu năm 2017.
Tính từ đầu năm, ABI tăng từ 23.900 đồng/CP lên 36.000 đồng/CP (chốt phiên 23/6). Động lực chính của đà tăng này nhiều khả năng đến từ mức lãi lớn mà ABI đạt được.
Năm 2016, ABI đạt doanh thu 1.155,5 tỷ đồng, bằng 118,39% kế hoạch và tăng trưởng 32,41%; lãi trước thuế 139 tỷ đồng, tăng trưởng 32% và bằng 120,87% kế hoạch. Năm 2017, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.352 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 153,5 tỷ đồng, cổ tức 12%. Riêng trong quý I, ABI báo lãi trước thuế 57,6 tỷ đồng (năm trước 27,18 tỷ đồng), lãi ròng 46,1 tỷ đồng, gấp đôi năm trước (21,9 tỷ đồng).
Việc tăng giá cổ phiếu là do cung cầu thị trường, các thông tin về kết quả kinh doanh chưa hẳn là yếu tố hỗ trợ duy nhất. Tuy nhiên, nhìn chung, trong nhóm cổ phiếu trên, đa phần là cổ phiếu của doanh nghiệp yếu kém bất ngờ kinh doanh có lãi, mở ra triển vọng phục hồi hoặc các doanh nghiệp có yếu tố cơ bản tốt vừa trải qua năm 2016 lãi đột biến, dẫn tới chia cổ tức khủng, có kế hoạch mở rộng kinh doanh năm nay.
Đây là các cổ phiếu góp phần giúp tâm lý nhà đầu tư “thư giãn”, trong bối cảnh phải thường xuyên hồi hộp theo dõi diễn biến lên xuống thất thường của không ít mã trên sàn UPCoM. Thực tế, do biên độ giá cao hơn 2 sàn niêm yết nên biến động giá của các cổ phiếu sàn này càng khó lường. Ngay cả cổ phiếu của các doanh nghiệp tên tuổi hàng đầu cũng không giữ được sự ổn định.
Từ đầu năm 2017, cổ phiếu một loạt ông lớn giảm mạnh có thể kể đến như VSN của Vissan, VGT của Vinatex, MCH của Masan Consumer, HVN của VietNam Airlines… Ngoài ra, nhiều cổ phiếu tăng rồi rớt giá mạnh như IPA, TVB, SEA, DPG, QNS.