Sau 9 tháng kể từ khi bán bớt 26% phần vốn tại PVI Sun Life, PVI vừa tiếp tục đạt được thỏa thuận bán nốt 25% cổ phần tại liên doanh này cho phía Sun Life.
Việc hai bên chỉ “chung đường” trong chưa đầy 3 năm không tránh khỏi những nghi ngờ rằng PVI đầu cơ, còn Sun Life thì “đi tắt” (lập liên doanh rồi mua lại). Nhưng thực tế không hẳn vậy, chưa kể theo Chủ tịch PVI “điểm mấu chốt đạt được, đây là thương vụ “win- win” cho tất cả các bên”.
Hé lộ lý do PVI thoái vốn khỏi PVI Sun Life
Mở đầu buổi trò chuyện qua điện thoại kéo dài gần một giờ đồng hồ ngay sau khi hai bên đạt được thỏa thuận thoái vốn, câu hỏi mà phóng viên đặt ra với ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI, đó là vì sao PVI lại thoái vốn khi đang bước dở trên con đường trở thành tập đoàn tài chính - bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam. Mà ở đó, PVI được bao bọc bởi 2 trụ cột chính: bảo hiểm (với đầy đủ mảng phi nhân thọ, tái bảo hiểm và nhân thọ) và đầu tư tài chính.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT PVI
Đó là chưa kể, cách đây gần 1 năm, ông Tuấn từng phủ nhận quan điểm cho rằng “PVI bán bớt 26% vốn nắm giữ tại PVI Sun Life cho đối tác Sun Life Financial chỉ là bước đi đầu tiên trong kế hoạch thoái sạch vốn của PVI khỏi lĩnh vực bảo hiểm”. Lúc bấy giờ, ông Tuấn cho người viết biết: “Không có chuyện này, theo phê chuẩn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, PVI được phép nắm vốn đến một tỷ lệ nhất nhất định tại 3 doanh nghiệp bảo hiểm “con”, là PVI Sun Life, Bảo hiểm PVI và PVI Re. Trong đó, tại PVI Sun Life, PVI được phép nắm giữ đến 35%”.
Vậy, điều gì đã làm thay đổi quan điểm của PVI? Không chút chần chừ, người đứng đầu HĐQT PVI khẳng định, đó là xuất phát từ ý chí của 2 cổ đông lớn là PVI và Sun Life - góp vốn lần lượt vào hãng bảo hiểm nhân thọ trên là 51% và 49% (tính tại thời điểm thành lập) bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường.
Theo đó, với PVI, đây là đợt chuyển nhượng phần vốn mang tính chiến lược theo chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp. PVI sẽ hướng sự tập trung chính vào 2 mảng bảo hiểm lõi là bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm (không còn bảo hiểm nhân thọ - PV), bên cạnh trụ cột khác là đầu tư tài chính. Trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ như PVI Sun Life là đầu tư mang tính dài hạn, đòi hỏi phải chấp nhận thời điểm bắt đầu có lãi có thể là trên 5 năm. Và nếu để kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của toàn hệ thống PVI.
“PVI Sun Life có dòng tiền tốt, đã và đang khẳng định tên tuổi của mình là nhà cung cấp bảo hiểm nhân thọ lớn thứ sáu tại Việt Nam (về doanh thu khai thác mới - PV), là công ty tiên phong và dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực bảo hiểm hưu trí. Đó cũng chính là lý do khiến Sun Life sẵn sàng xuống tiền trả giá gấp 2,5 lần so với giá gốc. Còn với PVI, khoản tiền sau thoái vốn này sẽ tiếp tục giúp hệ thống PVI nói chung, nhất là các công ty con đang hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm là Bảo hiểm PVI và PVI Re thêm khỏe”, ông Tuấn nói.
Vậy, có phải do PVI đã không tiên lượng hết các yếu tố liên quan khi dấn thân vào lĩnh vực mới là bảo hiểm nhân thọ cách đây gần 3 năm về trước dẫn đến thoái vốn sớm? Ông Tuấn cho hay: “Ngay từ khi lập PVI Sun Life, PVI đã tính toán được các yếu tố như thời điểm bắt đầu có lãi… Dựa vào đó, chúng tôi đã xây chiến lược dài hạn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cùng thị trường, đi đôi với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt, chúng tôi đã có sự điều chỉnh cho phù hợp. Ra đời sau 16 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, rõ ràng tân binh PVI Sun Life khó có thể cạnh tranh với các thương hiệu lâu năm, nhất là với các thương hiệu lớn như Prudential Việt Nam, Bảo Việt Nhân thọ, Manulife thì cuộc đua đường trường càng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Vậy nên, khả năng sinh lời có thể kéo dài hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, không phải khó quá mà rút, mà ngược lại, thoái vốn vì sự phát triển của tất cả các bên”.
Các bên win-win, PVI lời hơn 1.000 tỷ đồng
Không thể phủ nhận, thương vụ chuyển nhượng cổ phần PVI Sun Life đã diễn ra nhanh hơn so với dự đoán, ngoài các lý do trên còn bởi mức giá chuyển nhượng đạt được ở mức khá hấp dẫn. Thông tin từ PVI cho hay, thỏa thuận chuyển nhượng 25% vốn điều lệ lần này tại PVI Sun Life (tương đương 300 tỷ đồng vốn điều lệ PVI Sun Life) cho đối tác Sun Life Assurance Canada mang lại giá trị chuyển nhượng ước tính 786 tỷ đồng, lãi ước tính từ giao dịch chuyển nhượng là trên 450 tỷ đồng.
Tính chung, lợi nhuận ròng đạt được cho cả thương vụ (giúp Sun Life trở thành chủ sở hữu duy nhất của PVI Sun Life) là khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Không quá bất ngờ với PVI – doanh nghiệp mang nhiều “lộc chuyển nhượng”, từng thu về thặng dư không nhỏ sau mỗi lần bán vốn suốt nhiều năm qua (kể từ khi cổ phần hóa, bán vốn cho đối tác ngoại…).
Nhưng đó chỉ là một phần giá trị của thương vụ, ông Tuấn khẳng định, thương vụ không chỉ mang lại mức giá chuyển nhượng gấp 2,5 lần so với thời điểm mua, sinh lời cho PVI, mà còn mang lại cảm giác “win- win” cho tất cả các bên, trong đó có Sun Life (như trên đã đề cập), PVI và các cổ đông chiến lược lớn của PVI - nhất là cổ đông nước ngoài (Talanx, quỹ đầu tư Oman) đang nắm giữ lượng vốn chi phối tại PVI.
“Sun Life đã nhìn thấy rất rõ giá trị của PVI cũng như tiềm năng phát triển của PVI Sun Life, nên mới bỏ giá gấp 2,5 lần. Kể từ khi ra mắt vào năm 2013, PVI Sun Life đã khẳng định tên tuổi của mình. Với thế mạnh dẫn đầu thị trường Bắc Mỹ, sở hữu các sản phẩm bảo hiểm độc đáo, Sun Life sẽ tiếp tục phát triển tốt tại Việt Nam”, ông Tuấn tin tưởng.
PVI Sun Life sẽ ra sao khi thiếu PVI?
Sau khi hoàn tất thương vụ, Sun Life sẽ trở thành chủ sở hữu duy nhất của PVI Sun Life. Nguồn tin từ Sun Life cho hay, các bên vẫn sẽ duy trì mối quan hệ chặt chẽ và PVI tiếp tục là một đối tác của Sun Life..
Nhìn lại gần 3 năm “chung đôi”, ông Kevin Strain, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Sun Life tại Châu Á khẳng định: "Chúng tôi đã có một quan hệ đối tác rất thành công cùng PVI kể từ khi thiết lập mối quan hệ kinh doanh cùng nhau và mong muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ đối tác bền chặt này với PVI là đối tác phân phối của chúng tôi”.
Vị này còn cho biết thêm: “Chúng tôi đã có một sự khởi đầu rất thành công tại Việt Nam và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng của chúng tôi tại Việt Nam đạt được sự an tâm về mặt tài chính trọn đời bằng việc cung cấp các hạng mục sản phẩm bảo hiểm và quản lý tài chính phong phú và đa dạng. Các khách hàng của PVI Sun Life sẽ không cần thay đổi gì cả. Mọi điều khoản của tất cả các hợp đồng bảo hiểm hiện hữu sẽ vẫn giữ nguyên sau thương vụ này”.
Về phần mình, ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI cũng bày tỏ sự tự hào về mối quan hệ hợp tác cùng Sun Life, trong đó có sự thành công của PVI Sun Life và việc mở rộng đầu tư của Sun Life tại Việt Nam. PVI mong muốn tiếp tục duy trì một mối quan hệ chặt chẽ với Sun Life trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cũng như các lĩnh vực khác.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc hiện thực hóa mục tiêu từ khi mới thành lập là trở thành doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hàng đầu tại thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam của Sun Life có thể sẽ khó khăn hơn, bởi kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào mối quan hệ. Với lợi thế là công ty thành viên của PVN và sở hữu các đơn vị thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau (như bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ và các dịch vụ tài chính khác), PVI đã là một phần không thể thiếu trong cơ cấu doanh thu của PVI Sun Life suốt gần 3 năm qua.
Không phủ nhận mảng bảo hiểm tại Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào mối quan hệ nhưng Chủ tịch PVI cũng cho rằng, với mảng bảo hiểm bán lẻ nói chung, bảo hiểm nhân thọ nói riêng thì kinh nghiệm và xây dựng hệ thống vẫn là một trong những điểm quan trọng. Mà ở đó, các tập đoàn tài chính như Sun Life hội tụ đầy đủ các thế mạnh trên và đó chính là lý do khối bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam hiện vẫn chủ yếu là doanh nghiệp ngoại.
Chưa kể, dưới góc nhìn của Sun Life, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á và ngành bảo hiểm nhân thọ và hưu trí dự kiến sẽ tiếp tục trải nghiệm sức tăng trưởng mạnh mẽ.