Đang là Công ty có doanh số dẫn đầu thị trường bảo hiểm VN, ban lãnh đạo PVI bất ngờ tuyên bố "tái cấu trúc" doanh nghiệp để trở thành nhà đầu tư tài chính bảo hiểm chuyên nghiệp. Lĩnh vực hoạt động không chỉ giới hạn trong kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, mà còn thành lập riêng Công ty tái bảo hiểm, chuẩn bị thành lập Công ty bảo hiểm nhân thọ, Quỹ đầu tư, Công ty quản lý tài sản. Chúng tôi nêu câu hỏi với ông Nguyễn Anh Tuấn- Chủ tịch HĐQT PVI: "Vì sao trong thời buổi nền kinh tế khó khăn, không ít doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, PVI lại có một quyết định táo bạo: Tái cấu trúc đi cùng với mục tiêu tăng vốn và chọn được đối tác chiến lược mua giá hời. Phải chăng, PVI đã gặp nhiều may mắn trong kinh doanh?". Câu trả lời được ông Tuấn khẳng khái đưa ra: "Không có gì là ngẫu nhiên cả. Để có được những gì mà thị trường thấy hôm nay, là cả một quá trình nhận thức, thoát khỏi tư duy cũ. Rồi việc gì đến, sẽ đến...".
Thoát khỏi tư duy cũ
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn: "Đổi mới tư duy" đang là câu cửa miệng mốt nhất hiện nay của giới kinh doanh khi nói về sự thay đổi nhận thức. Thực tế, những gì chúng ta coi là mới thì thế giới họ làm từ lâu rồi. Đổi mới tư duy, thực chất là thoát ra khỏi cách tư duy cũ. Đây phải là một quá trình tự thân. Tự bản thân đến một lúc nào đó thấy cần phải thoát ra khỏi cách suy nghĩ cũ để lớn hơn" - ông nói.
Lý giải tại sao PVI phải tái cấu trúc, theo ông, rất đơn giản. Nếu không tái cấu trúc thì PVI muôn đời vẫn chỉ là Công ty bảo hiểm PVI. Hiện PVI là nhà bảo hiểm công nghiệp dẫn đầu thị trường VN, chiếm khoảng 23% thị phần BH phi nhân thọ của toàn thị trường. Nếu cứ phát triển với mô hình là công ty bảo hiểm đến mức có thể thống lĩnh thị trường, thì cũng chỉ như chiếm một “cái ao” so với “biển cả” là thị trường thế giới rộng lớn. Tại sao khi nghĩ đến thị trường lại chỉ giới hạn tại VN, mà không tư duy ra cả thế giới. Tái cấu trúc để PVI mở ra những lĩnh vực mới, mở ra thị trường mới, không chỉ bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ mà phải vươn ra bên ngoài chính là “thoát khỏi tư duy cũ”.
- PV: Khi VN mở cửa hội nhập đã không ít DN mở hướng đầu tư ra bên ngoài và đã thành công. Nhưng chuyển từ kinh doanh BH thuần túy, sang tài chính bảo hiểm, PVI có quá tự tin về năng lực của mình so với các Cty đã có kinh nghiệm hàng trăm năm?
- CT HĐQT PVI: Vấn đề chính là ở đây. Chúng tôi không ảo tưởng về mình, nhưng hơn ai hết chúng tôi biết rõ những gì mình đang có và quan trọng nhất, chúng tôi có khát vọng trở thành một tập đoàn đa quốc gia, không thể cứ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước 30% với mô hình cũ. Mà giả sử nếu có thể thì bao giờ vươn tới doanh thu 1 tỉ USD/năm, bằng doanh thu cả thị trường BH phi nhân thọ Việt Nam năm 2011 với 29 công ty bảo hiểm và 13 công ty môi giới. Cũng để bạn biết là doanh thu 1 tỉ USD/năm chỉ tương đương cỡ một Cty bảo hiểm tầm trung của Nga thôi, chứ chưa nói tới những thị trường phát triển khác. Nói vậy để thấy rằng không đổi mới, chẳng thể trở thành “ông lớn” được. Hơn nữa, triết lý kinh doanh cho thấy, không ai dại gì "bỏ cả trứng vào một giỏ". Nên thế trong khủng hoảng, các Cty đa quốc gia vẫn trụ vững vì họ luôn phân tán rủi ro ở nhiều thị trường khác nhau trên toàn cầu. Nó rất khác với cách tư duy của phần lớn các DN VN chỉ bó gọn ở phạm vi trong nước, nên luôn bị động và không đủ sức chống đỡ khi có khủng hoảng. Tuy nhiên thì tái cấu trúc để phát triển là phải cần đến vốn. Vấn đề huy động vốn ở đâu trở nên cực kỳ nan giải trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay khi các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài đang vô cùng thận trọng và đắn đo trong các quyết định đầu tư. Như vậy, thực chất của vấn đề tái cấu trúc là tổng hợp của 3 vấn đề tái cấu trúc, tăng vốn và tìm chọn đối tác chiến lược.
- PV: Có thể thấy, gặp được Talanx trong bối cảnh hiện nay, PVI đã cùng lúc giải được 2 vấn đề hóc búa, đó là vốn và lối ra cho sự phát triển của DN?
- CT HĐQT PVI: Đúng là họ đã giúp chúng tôi giải thành công 2 vấn đề đó. Tuy nhiên không hề đơn giản để một nhà đầu tư tầm cỡ thế giới như Talanx trả giá 36.000đồng/1 CP của PVI trong khi giá bán trên sàn vào thời điểm đó chỉ khoảng 16.000đ/CP. Rõ ràng quyết định của Talanx trong thương vụ này vượt xa khái niệm đơn thuần về một giao dịch mua bán hàng hóa. Điều gì ở chúng tôi đã thu hút họ, nếu không phải là giá trị thực của PVI, là chiến lược phát triển, là hệ thống quản trị, đội ngũ nhân sự, và tiềm năng phát triển của chúng tôi. Tôi cho rằng cái họ mua là nền tảng và tiềm lực để thu được lợi nhuận từ giá trị tương lai của PVI, và đó cũng là mục tiêu tối thượng của mọi nhà đầu tư tầm cỡ hướng đến. Vì thế, cần phải thấy rằng không chỉ là PVI có lợi mà với Talanx cũng có lợi. Đây rõ ràng là một thương vụ đầu tư khôn ngoan của Talanx khi họ đã có thêm một “mắt xích” quan trọng tại khu vực Đông Nam Á trong chuỗi cung cấp giá trị dịch vụ toàn cầu của mình.
Không quá khó để trở thành Công ty đa quốc gia
- PV: Dường như PVI và Talanx cũng có nhiều điểm tương đồng, cùng là nhà bảo hiểm thuộc tập đoàn công nghiệp, cùng phát triển thành nhà đầu tư tài chính bảo hiểm. Talanx phải mất khoảng 100 năm để phát triển trong khi PVI chỉ mất 15 năm. Trở thành đối tác của Talanx, PVI sẽ mở ra "cánh cửa" thâm nhập vào thị trường châu Âu và cả thế giới như thế nào?
- CT HĐQT PVI: Hữu duyên tương ngộ. Không hẹn mà gặp song ở cả PVI và Talanx đều có nhiều điểm tương đồng thú vị. Talanx xuất thân từ một quỹ bảo hiểm tương hỗ thuộc tập đoàn công nghiệp của Đức, trong khi PVI là doanh nghiệp BH thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN. Cả hai đều có xuất phát điểm từ kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, phát triển sang lĩnh vực đầu tư, tái bảo hiểm, rồi BH nhân thọ. Như tôi đã nói, sự kết hợp này có lợi cho cả hai. Giờ đây, PVI và Talanx cùng nằm trong chuỗi mắt xích cung cấp dịch vụ toàn cầu, được tham gia thị trường và được hỗ trợ dịch vụ của nhau. Chẳng hạn, những sản phẩm Talanx bán trên thị trường khu vực Đông Nam Á thì PVI sẽ đại diện cho Talanx. Và ngược lại, PVI có thể cung cấp dịch vụ ở thị trường nước ngoài qua hệ thống của Talanx. Việc cung cấp dịch vụ như vậy sẽ tạo ra tiện ích tối đa cho khách hàng, vì họ được chi trả tại chỗ. Sau đó, chúng tôi sẽ đối trừ nhau trong hệ thống.
- PV: Trong quá trình cạnh tranh để giành được hợp đồng với các nhà cung cấp bảo hiểm khác, lợi thế nào của PVI được xem là cạnh tranh, thưa ông?
- CT HĐQT PVI: Dư luận vẫn cho rằng PVI có nhiều lợi thế từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Đúng! Nhưng không phải tất cả đều tận dụng được lợi thế này để bứt phá. Ngành khác cũng thế. Chúng tôi đã biết chuyển thế thành lực để biến PVI từ một công ty bảo hiểm nội bộ thành một công ty bảo hiểm hàng đầu Việt Nam. Doanh thu phí bảo hiểm từ ngành dầu khí giờ chỉ chiếm tỷ trọng hơn 20% trên tổng doanh thu. Hơn nữa, những nhà thầu dầu khí đều mở cửa cho mọi nhà cung cấp dịch vụ, nhưng tại sao họ lại luôn lựa chọn sử dụng dịch vụ của các công ty được xếp hạng quốc tế? Thực chất đây là cuộc cạnh tranh rất sòng phẳng. Bạn là người có tiền, tài sản của bạn lớn, chắc chắn bạn sẽ chọn người bảo vệ bạn phải có uy tín và hiểu bạn. Trong bảo hiểm, muốn biết ai thực sự có uy tín, nhiều khi đã phải trả một giá quá đắt khi gánh chịu tổn thất. Vì thế, bạn cần có sự đảm bảo ngay từ đầu từ những lời cam kết bằng vàng. Chứng nhận xếp hạng tín nhiệm quốc tế từ A.M.Best là minh chứng không thể tốt hơn cho uy tín của PVI. Để có được tờ A4 đó, là “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” đấy, không thế thì cả thị trường bảo hiểm này có hết cả rồi, chứ không phải mình PVI (cười).
Người lãnh đạo phải "nhất tâm"
- PV: Từ một DN bảo hiểm chuyên ngành, có thời kỳ còn suýt nữa bị sát nhập với Bảo Minh và rất khó khăn để tìm ra hướng đi. Ông có thể lý giải để PVI có được thành công như hôm nay, yếu tố nào là quyết định?
- CT HĐQT PVI: Tôi cho rằng, quan trọng nhất người lãnh đạo phải “nhất tâm”. Trong một doanh nghiệp thì người lãnh đạo doanh nghiệp phải đồng chí, đồng lòng và đặc biệt là phải "nhất tâm". Ở đây tôi rất tâm đắc từ "nhất tâm" của nhà Phật, có nghĩa là chỉ thiền định một việc thôi và phải quyết tâm làm đến cùng, nói là làm. Khi PVI trong giai đoạn chuyển đổi, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng. Ở đây, tôi và anh Thuận (TGĐ PVI Holdings) đã thực sự “nhất tâm” trong mọi vấn đề từ tư tưởng chỉ đạo, lên kế hoạch tái cấu trúc, hoạch định chiến lược phát triển, định mô hình hoạt động, ban hành khung khổ pháp lý, đào tạo đội ngũ,... Tóm lại là để chuyển đổi một hệ thống phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, và nếu không theo sát thì quá trình đổi mới nghe thì rất hoành tráng, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì chắc chắn sẽ đổ vỡ.
- PV: Ông suy nghĩ thế nào về khái niệm doanh nhân dân tộc? Trong khi xét trên năng lực từng cá nhân người VN ra thế giới không hề thua kém, nhưng để xây dựng được những DN mạnh có chỗ đứng vững chắc ở thị trường ngoài nước, thì còn là khoảng cách so với thế giới?
- CT HĐQT PVI: Trong lần nói chuyện gần đây với báo Thương gia, tôi đã nói doanh nhân dân tộc phải là người có triết lý kinh doanh phục vụ cho lợi ích của dân tộc? Doanh nghiệp của anh ta phải tạo ra sự khác biệt để cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ quốc tế. Nếu một doanh nghiệp có khả năng mang hình ảnh và thương hiệu Việt ra thế giới thì đó mới là một doanh nghiệp mang tinh thần dân tộc Việt Nam. Theo tôi, cơ hội là bình đẳng với tất cả mọi người khi chúng ta đã hội nhập, thị trường thế giới và trong nước đều rộng mở. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh đến vai trò của chủ sở hữu với doanh nghiệp. Đã là người lãnh đạo doanh nghiệp, thì anh phải thực sự làm chủ, từ đó ra những quyết sách của người làm chủ. Tôi cho rằng Chính phủ chủ trương đẩy mạnh CPH là hoàn toàn đúng đắn, nhưng sâu xa của CPH phải là tư nhân hóa, là vấn đề sở hữu. Nếu anh là người làm chủ anh sẽ nhất tâm, nhất thành vun vén cho Cty, chọn được nhân lực tốt để giúp anh quản lý tốt. Nhưng tư nhân hóa phải đi cùng với việc chống tư lợi hóa, hình thành môi trường minh bạch để không tạo điều kiện cho một bộ phận được hưởng lợi bất chính. Tư nhân hóa hiểu theo nghĩa rộng là huy động được mọi nguồn lực của xã hội tham gia vào công cuộc đầu tư phát triển đất nước. Làm được điều này, quá trình tư nhân hóa mới thực sự thành công. Nghị quyết 09 của BCT ngày 09/12/2011 cũng đã vạch rõ phải bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh của doanh nhân theo pháp luật.
- PV: Xin cảm ơn ông!