Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước ví von, thị trường bảo hiểm Việt Nam là mảnh đất màu mỡ. Thực tế, hàng loạt công ty bảo hiểm trong nước ra đời, đồng thời, nhiều hãng bảo hiểm nước ngoài xếp hàng chờ cấp phép trong thời gian qua. Sức ép cạnh tranh giữa các DN bảo hiểm trong và ngoài nước cũng vì thế ngày càng gay gắt.
Mảnh đất màu mỡ
Ngày 21/6, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietNamNet vừa công bố Top 10 Công ty bảo hiểm uy tín năm 2017. Tổng quan bức tranh thị trường bảo hiểm cho thấy, sân chơi đang thuộc về những ông lớn với sự đeo bám và cạnh tranh nhau quyết liệt.
Dữ liệu tài chính của các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ của Vietnam Report công bố ngày 21/6 cho thấy, tỷ lệ số doanh nghiệp báo lãi trong năm 2016 đã tăng đáng kể, từ 5 lên 10 doanh nghiệp đối với nhóm bảo hiểm nhân thọ, và từ 17 lên 18 doanh nghiệp với nhóm bảo hiểm phi nhân thọ, cho thấy sự khởi sắc trong kinh doanh bảo hiểm trong năm vừa qua, là tiền đề tạo thêm niềm tin tăng trưởng toàn ngành nói chung trong năm 2017.
Khảo sát các doanh nghiệp bảo hiểm do Vietnam Report thực hiện trong tháng 5/2017 cũng chỉ ra: có đến 86,7% số doanh nghiệp được hỏi tự tin cho rằng, doanh thu năm 2017 của doanh nghiệp mình sẽ tăng trên 10%, 13,3% còn lại khiêm tốn hơn với kế hoạch tăng trưởng trên 10%.
Báo cáo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, gần 86% thị phần doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ gốc nằm trong tay 5 ông lớn bao gồm: Prudential, Bảo Việt nhân thọ, Manulife, AIA và Dai-ichi. Ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ, gần 60% thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc thuộc về Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo Minh, PTI và PJICO.
“Với số lượng công ty bảo hiểm nhân thọ (18 công ty) và phi nhân thọ (30 công ty) đang hoạt động trên thị trường Việt Nam hiện nay, thì sân chơi thị phần còn lại không bao gồm các ông lớn kể trên sẽ chứng kiến sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa các công ty có quy mô vừa và nhỏ”, báo cáo này nhấn mạnh.
Chưa tư vấn khách hàng đầy đủ
Thực tế, thời gian qua, Chính phủ rất tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trực tiếp thông qua các chính sách thuế và hoa hồng, các chính sách an sinh xã hội… Trong thời gian tới đây, các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ đặc biệt việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về bảo hiểm (93,8% lựa chọn), đồng thời tăng mức phạt đối với hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm (87,5% lựa chọn). Nhưng đó mới chỉ là phần hỗ trợ cho thị trường phát triển.
Khảo sát các doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, cạnh tranh trong ngành là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất (85,7% lựa chọn “ảnh hưởng rất nhiều”) đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm. Dù không chỉ ra trực diện nhưng trên thực tế, thời gian qua, vẫn có việc các DN bảm hiểm ráo riết chạy đua sản phẩm, câu kéo đại lý, nhân sự, thậm chí khách hàng của nhau.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp cũng là yếu tố rất đáng xem xét (78,6% lựa chọn “ảnh hưởng rất nhiều”), bởi theo phản hồi của nhiều khách hàng đang tham gia bảo hiểm, việc tư vấn để khách hàng hiểu đúng và đủ về hợp đồng bảo hiểm còn nhiều hạn chế. “Thời gian tới, các công ty bảo hiểm cũng cần lưu ý đầu tư cho khâu đào tạo nhân lực, thay vì mở rộng kinh doanh tràn lan, tuyển dụng ồ ạt những nhân sự chưa thực sự am hiểu sản phẩm bảo hiểm”, bản báo cáo phân tích.
Theo cam kết mở cửa thị trường bảo hiểm Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm của nước ngoài được cấp phép cung cấp vào Việt Nam các dịch vụ bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm có vốn nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam…Cùng đó, các doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh và bảo hiểm nhân thọ không bị hạn chế được đối xử quốc gia.Đây là cơ hội cho các DN bảo hiểm nước ngoài, nhưng cũng là thách thức cho các DN bảo hiểm trong nước cần gắng giữ chặt thị phần hơn!