Xếp hạng trong Top đầu không có bất kỳ thay đổi nào khi ngôi vị dẫn đầu vẫn thuộc về Bảo hiểm PVI với doanh thu phí đạt 3.491 tỷ đồng (chiếm 23,1% thị phần); Bảo Việt tiếp tục đứng thứ 2 với doanh thu phí đạt 3.467 tỷ đồng (chiếm 22,9% thị phần); tiếp đến là Bảo Minh đạt 1.804 tỷ đồng (chiếm 11,9% thị phần); Pjico đạt 1.295 tỷ đồng (chiếm 8,6% thị phần); PTI đạt 738 tỷ đồng (chiếm 4,9% thị phần),…
3/4 chặng đường của năm 2011 trôi qua, đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đều đạt mức tăng trưởng doanh thu tương đối tốt. Một số DNBH tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước như Groupama, VIA (đều trên 100%); PTI, Liberty, Bảo Long (trên 50%). Tuy nhiên cũng có một số DNBH có doanh thu bảo hiểm gốc giảm so với cùng kỳ năm trước như UIC, Phú Hưng (giảm trên 50%); QBE, Samsung Vina (giảm trên 20%).
Về cơ cấu doanh thu các nghiệp vụ lớn của thị trường: Nghiệp vụ bảo hiểm Xe cơ giới vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (30,71%) với doanh thu phí ước đạt 4.592 tỷ đồng; Đứng thứ hai về tỷ trọng (24,93%) là nghiệp vụ bảo hiểm Tài sản và thiệt hại với doanh thu ước đạt 3.728 tỷ đồng; tiếp theo là bảo hiểm Sức khỏe và tai nạn con người (13,90%, 2.078 tỷ đồng), bảo hiểm Thân tàu và P&I chiếm tỷ trọng (10,73%) với doanh thu 1.604 tỷ đồng đứng ở vị trí thứ 4.
Về bồi thường bảo hiểm gốc, tổng số tiền ước bồi thường của cả thì trường là 5.762 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường (TLBT) là 38,1%. TLBT của Bảo hiểm PVI là 18,0%, thấp nhất trong số các DNBH lớn của thị trường. Các doanh nghiệp có tỷ lệ bồi thường cao là: Samsung Vina (104,5%); Liberty (67,7%); Bảo Long (69,0%); BIC (59,0%); Bảo Việt (56,3%); Bảo Ngân (44,8%); Pjico (42,14%); Bảo Minh (36,1 %). Các nghiệp vụ có TLBT cao là bảo hiểm hàng không, bảo hiểm Sức khỏe và tai nạn con người, bảo hiểm Xe cơ giới và bảo hiểm Thân tàu và P&I.
Tháng 9 cũng là giai đoạn Bộ Tài chính đẩy mạnh quá trình triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm Tín dụng xuất khẩu và bảo hiểm Nông nghiệp. Mặc dù vậy, hiện cũng cũng mới chỉ có rất ít DNBH hưởng ứng. Đối với bảo hiểm tín dụng xuất khẩu thì hiện mới chỉ có 3 Công ty tham gia triển khai là Bảo hiểm PVI, Bảo Minh và QBE. Hiệu quả ban đầu cũng còn rất khiêm tốn khi mới chỉ có QBE (Ký 02 hợp đồng với doanh thu phí đạt hơn 4 tỷ đồng) và Bảo Minh (ký 06 hợp đồng với doanh thu phí là 3 tỷ đồng). Còn đối với Bảo hiểm nông nghiệp, thị trường có phần sôi động hơn khi các DNBH tham gia vào sân chơi đều là những ông lớn đứng đầu thị trường như: Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo hiểm PVI. Do có được sự “đảm bảo” từ Bộ Tài chính nếu sau giai đoạn thí điểm mà lỗ trên 10% thì sẽ được hỗ trợ phần lỗ này nên Bảo Việt, Bảo Minh khá hào hứng trong việc triển khai. Một “ông lớn” là Bảo hiểm PVI thời gian gần đây cũng liên tiếp đưa ra những sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp mới: An Nông Việt, An Ngư Việt.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2011 do Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (HHBH) tổ chức, mục tiêu kinh doanh của năm 2011 cho toàn thị trường bảo hiểm được đề ra là “Tập trung phát triển thị trường bảo hiểm với tổng doanh thu phí đạt 35.290 tỷ đồng, tăng trên 19% so với năm 2010, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 23-25%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khoảng 15.290 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 14-15% so với năm 2010".
Chỉ còn 3 tháng là kết thúc năm 2011, doanh thu phí cũng đạt được 3/4 mục tiêu kế hoạch năm đặt ra nhưng điều đó không đồng nghĩa với chặng đường phía trước của các DNBH là hoàn toàn bằng phẳng, vẫn còn đó những vướng mắc và nhiệm vụ cần phải giải quyết. Trước mắt chính là giai đoạn các DNBH cần tích cực và nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm Tín dụng xuất khẩu và bảo hiểm Nông nghiệp góp phần tăng trưởng doanh thu và đặc biệt là chia sẻ rủi ro với bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.