Tín hiệu cầu cứu qua vệ tinh
Tàu Anh Sơn thuộc Công ty TNHH thương mại vận tải biển Anh Sơn có trọng tải 4.374 tấn. Ngày 6-6-2012 con tàu này treo cờ Việt Nam khởi hành từ cảng Bintulu (Malaysia) đến Kolkata (Ấn Độ) mang theo 831 cây gỗ tròn (tương đương 2.160 m3). Trên tàu có 15 thủy thủ người Việt Nam. Tàu Anh Sơn do Bảo Minh bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu và Bảo hiểm PVI bảo hiểm thân tàu. Theo tính toán ban đầu, tàu Anh Sơn sẽ hoàn thành hải trình trong 10 ngày.
Tuy nhiên, vào hồi 12 giờ 28 phút ngày 3-7-2012, Đài Thông tin Vệ tinh Mặt đất Inmarsat Hải Phòng đã thu được điện báo động cấp cứu qua hệ thống Inmarsat-C từ Ấn Độ về sự cố của tàu Anh Sơn. Tàu Anh Sơn bị mất bánh lái và mất điều khiển tại vị trí có tọa độ 21-01N 88-16E thuộc vùng biển Ấn Độ (cách bờ khoảng 32 hải lý) và cách cảng Kolkata 12 hải lý. Vì lý do an toàn hàng hải nên cảng Kolkata không cho tàu vào cảng.
Ngay sau khi nhận được thông báo sự cố, PVI đã chỉ định công ty Braemar Falconer là đơn vị giám định hàng hải có uy tín ở Ấn Độ để giám định đồng thời hỗ trợ Anh Sơn khắc phục sự cố. Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam qua sóng vô tuyến vệ tinh đề nghị các phương tiện hoạt động trong khu vực tăng cường quan sát và trợ giúp tàu Anh Sơn.
Nỗ lực “gỡ rối” của nhà bảo hiểm chuyên nghiệp
Theo hợp đồng bảo hiểm thì trách nhiệm của nhà bảo hiểm thân tàu chỉ giới hạn ở việc bồi thường các chi phí khắc phục tổn thất do rủi ro gây ra. Tuy nhiên trước sự cố có thể nguy hiểm đến tính mạng thuyền viên trên tàu, Bảo hiểm PVI đã cùng với nhà giám định và Anh Sơn tích cực tìm phương án khắc phục sự cố mà trước hết là đưa tàu đến khu vực neo an toàn.
Khi đó, trên tàu Anh Sơn, các thủy thủ gần như đã cạn kiệt lương thực, tinh thần hoảng loạn. Điều kiện sóng to gió lớn khiến con tàu trong trạng thái không điều khiển có khả năng bị chìm. Những bức điện cầu cứu liên tục được gửi về và dư luận trong nước như ngóng theo số phận con tàu và 15 thủy thủ. Lệnh rời tàu đã được tính đến.
Công ty Anh Sơn thời điểm đó có đưa ra phương án thuê tàu đưa đoàn giám định bảo hiểm tiếp cận, đánh giá mức độ tổn hại của tàu Anh Sơn để sớm có bảo lãnh, hoàn thành thủ tục đưa tàu vào bờ. Tuy nhiên, ý kiến trên đã bị giám định viên độc lập bác bỏ. Việc đưa giám định viên/thợ lặn ra kiểm tra bánh lái tàu Anh Sơn ở thời điểm sóng to gió lớn có thể gây nguy hiểm cho người kiểm tra. Vì vậy, việc giám định tổn thất bánh lái tại khu neo trong thời điểm hiện tại là không thể thực hiện được. Bảo hiểm PVI cũng đã cùng Braemar Falconer khảo sát cả phương án đưa tàu tới Bangladesh để trước hết đảm bảo an toàn cho thuyền viên và cho tàu.
Ngay sau khi có thông tin về vụ việc, sáng 3-7-2012 Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đề nghị phía bạn cứu trợ và hỗ trợ cho tàu vào cảng. Tại Ấn Độ, Đại sứ quán Việt Nam cũng đã có công hàm gửi Bộ Ngoại giao Ấn Độ, đồng thời cùng các cơ quan hữu quan hỗ trợ cho tàu Anh Sơn. Đại sứ quán đã cử 2 cán bộ xuống Kolkata để cùng Bảo hiểm PVI và đại diện Công ty Anh Sơn giải quyết vụ việc.
Nhờ những nỗ lực vận động, cuối cùng chính quyền cảng Kolkata đồng ý cho phép tàu vào khu neo của cảng để dỡ hàng. Điều kiện đưa ra lại hết sức ngặt nghèo: Hội WOE (Hội bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu) phải bảo lãnh thanh toán chi phí thuê tàu lai đưa tàu đến vị trí neo và chủ tàu bảo lãnh đưa tàu ra khỏi khu neo sau khi dỡ hàng xong. Bằng uy tín của mình, Bảo hiểm PVI đã đề nghị Hội WOE cấp bảo lãnh theo yêu cầu của cảng. Đồng thời Bảo hiểm PVI bảo lãnh với Hội WOE, cam kết thanh toán lại cho Hội chi phí thuê tàu lai mặc dù trách nhiệm này thuộc về chủ tàu Anh Sơn.
Trên cơ sở đề nghị bảo lãnh, cam kết của Bảo hiểm PVI, ngày 5-7-2012, Hội WOE đã bảo lãnh với cảng Kolkota cho chi phí thuê tàu lai đưa tàu Anh Sơn vào vị trí neo. Chính quyền cảng Kolkata đã đồng ý cho phép tàu Anh Sơn vào khu neo với điều kiện nhận được thư bảo lãnh cho việc kéo tàu đi sau khi dỡ hàng xong.
Tuy vậy, bằng nhiều biện pháp hỗ trợ hiệu quả khác, PVI đã giúp cho việc đưa tàu Anh Sơn cùng 15 thủy thủ vượt qua được tình huống khẩn cấp. Cho đến sáng ngày 6-7-2012, phía Ấn Độ đã đưa tàu Anh Sơn đến vị trí neo đậu an toàn.