Chiếm 24% thị phần với doanh thu 6 tháng đầu năm 2011 đạt trên 3,000 tỉ đồng, PVI đang là đơn vị dẫn đầu về bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. PVI là công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán hoàn thành tái cấu trúc chuyển đổi từ tổng công ty sang mô hình công ty mẹ-con. Công ty đã bán 25% cổ phần cho Tập đoàn Bảo hiểm Talanx Group. Đây được nhận định là những sự kiện quan trọng không chỉ với PVI Holdings mà còn đối với ngành Tài Chính - Bảo hiểm Việt Nam. Ông Bùi Vạn Thuận, Tổng Giám đốc PVI Holdings đã trao đổi với NCĐT về những sự kiện này.
Thưa ông, việc bán 25% cổ phần cho Talanx Group có ý nghĩa như thế nào đối với PVI Holdings?
Sau tái cấu trúc, chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, PVI Holdings cần tăng vốn để đầu tư vào các công ty con và các dự án tài chính. Việc Talanx, tập đoàn bảo hiểm lớn thứ 3 của Đức, mua 25% cổ phần của PVI Holdings (tương ứng với tổng giá trị đầu tư 1.916,5 tỉ đồng), là một sự kiện quan trọng giúp PVI Holdings tăng vốn để hiện thực hóa chiến lược phát triển.
Hiện nay, Đức đầu tư ở đâu được xem như là định hướng đầu tư cho các nước Châu Âu. Vì vậy sự kiện này đồng thời là một thuận lợi lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư Châu Âu, như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhận định “đây không đơn thuần chỉ là sự kiện của ngành bảo hiểm mà còn là một sự kiện của ngành tài chính”. Việc cả trăm triệu đô la được đầu tư vào một định chế tài chính – bảo hiểm là một cú hích đối với ngành tài chính – bảo hiểm và cả thị trường chứng khoán.
Tại sao Talanx Group lại mua cổ phần của PVI Holdings với giá 36,000 đồng/ cổ phiếu - cao gấp hơn hai lần so với giá bình quân trên thị trường chứng khoán hiện nay?
Là một doanh nghiệp tài chính - bảo hiểm lớn của Châu Âu có lịch sử phát triển hơn 100 năm, Talanx đã tìm thấy định hướng phát triển của PVI Holdings phù hợp với định hướng phát triển của họ. PVI Holdings có nhiều thế mạnh và tiềm năng phát triển mà không phải một đơn vị có lịch sử 15 năm nào cũng dễ đạt được. Chính vì vậy, việc quyết định mua với giá 36.000 đồng/ cổ phiếu là họ không mua theo giá trên sàn mà là nhìn vào tiềm năng của PVI Holdings nói riêng cũng như tương lai phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung.
Với giá tốt như vậy thì tại sao PVI Holdings lại không bán nhiều hơn 25% cổ phần?
Mức 25% là mức hợp lý nhất do hai bên thỏa thuận và bàn bạc kỹ lưỡng. Talanx mua được mức hợp lý và PVI Holdings bán được một lượng cổ phần hợp lý.
Hơn nữa, sau khi bán 25% cổ phần cho Talanx, tổng số cổ phần PVI do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ lên đến hơn 48%, đã gần hết hạn mức cổ phần bán cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Bộ Tài chính.
Khi PVI Holdings bán cổ phần cho đối tác nước ngoài thì vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đối với PVI Holdings sẽ thay đổi như thế nào?
Sau khi PVI Holdings bán 25% cổ phần cho Talanx thì hiện tại PVN nắm giữ 38% vốn của PVI. Với trên 48% sở hữu thuộc các cổ đông nước ngoài, PVI Holdings đang là định chế tài chính – bảo hiểm đa quốc gia chứ không chỉ là một doanh nghiệp cổ phần trong nước. Tuy nhiên, PVN vẫn là một cổ đông nắm cổ phần chi phối, có trách nhiệm và quyền lợi với PVI Holdings theo luật doanh nghiệp.
Tái cấu trúc có góp phần mang đến thành công của việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài vừa qua để đưa PVI trở thành tập đoàn đa quốc gia không thưa ông?
PVI Holdings tiền thân là Tổng Công Ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu Khí Việt Nam (PVI). Là một công ty bảo hiểm thuộc PVN, hoạt động theo luật bảo hiểm nên PVI bị hạn chế và chi phối bởi nhiều luật lệ. Một doanh nghiệp phát triển bình thường ở mức độ vừa phải thì mô hình đó là phù hợp. Song, tốc độ tăng trưởng của PVI trên thị trường là trên 37%/năm. Từ doanh thu chỉ vài chục tỉ đồng vào năm 1996, hiện tại doanh thu của PVI ước đạt hơn 5.000 tỉ đồng. Với tốc độ tăng trưởng cao như vậy thì mô hình cũ giống như “một chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn lên từng ngày”, hoạt động của công ty cũng bị bó hẹp và hạn chế. Việc tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình là một nhu cầu tất yếu để PVI tiếp tục phát triển và hội nhập mạnh mẽ hơn nữa. PVI Holdings sẽ có thể tối ưu hóa dòng tiền, mở rộng quy mô và tiến sâu vào lĩnh vực tài chính. PVI Holdings muốn hướng sự phát triển lên một tầm cao mới là một định chế tài chính - bảo hiểm với các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm, quản lý quỹ, đầu tư tài chính.
Và sau khi PVI tái cấu trúc, Talanx tìm thấy ở PVI Holdings sự tương đồng về mô hình hoạt động cũng như định hướng phát triển. Đó là một trong những lý do để Talanx quyết định mua cổ phần và hợp tác chiến lược với PVI Holdings.
Tái cấu trúc mang đến sự thay đổi như thế nào trong mô hình quản lý của PVI Holdings?
Tái cấu trúc chính là sự thay đổi nhằm đưa PVI từ một công ty bảo hiểm nội ngành thành một định chế tài chính - bảo hiểm hoạt động chuyên nghiệp tương tự các định chế tài chính khác ở các nước phát triển. PVI Holdings sau tái cấu trúc sẽ bao gồm các công ty con hoạt động chuyên sâu trong từng lĩnh vực nhằm chuyên nghiệp hóa kinh doanh, quản lý rủi ro tốt hơn và tối ưu hiệu quả các dòng tiền. Công ty mẹ sẽ có vai trò quản lý vốn, nhân sự, thực hiện các dịch vụ tài chính, quản lý, điều hòa nguồn vốn và dòng tiền.
Đã tái cấu trúc thành một định chế tài chính – bảo hiểm đa quốc gia, nhân sự quản lý hiện nay của PVI Holdings có đáp ứng được mô hình hoạt động mới?
Từ nhiều năm nay PVI luôn chú trọng tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, nhân viên. Hàng năm, PVI đều cử cán bộ đi đào tạo tại Học viện Bảo hiểm Hoàng gia Anh, Học viện Bảo hiểm Malayxia… cũng như tổ chức hàng chục khóa đào tạo trong và ngoài nước. Nhờ đó, PVI Holdings có một đội ngũ nhân sự vừa có sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, vừa có bề dày kinh nghiệm, trình độ do được đào tạo bài bản và được trao trọng trách. Chất lượng và ý chí, khát vọng của đội ngũ nhân sự hiện tại đủ khả năng đưa PVI Holdings phát triển lên một tầm cao mới.
Thêm vào đó, Talanx Group đã cam kết giúp đỡ PVI Holdings đào tạo nhân sự quản lý và xây dựng mô hình quản lý hiện đại. Điều này sẽ giúp chất lượng nhân sự và mô hình quản trị của chúng tôi nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của thị trường tài chính – bảo hiểm quốc tế.
Sau các sự kiện lớn vừa qua PVI Holdings kỳ vọng ra sao về sự phát triển của những năm tiếp theo?
Mục tiêu của PVI Holdings là phát triển lên thành một định chế tài chính - bảo hiểm tầm khu vực. PVI Holdings kỳ vọng đạt doanh số 1 tỉ USD vào năm 2015. Với sự giúp đỡ của PVN và các cổ đông lớn nước ngoài, PVI Holdings tin tưởng sẽ thành công.