- Tại sao PVI lại chọn thời điểm khó khăn này để niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, thưa ông?
Lên sàn sẽ giúp cho DN thực hiện tốt cơ chế minh bạch hóa thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong giao dịch, đảm bảo tính thanh khoản. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng tôi hoàn toàn tự tin về năng lực của PVI. Tất cả thông tin, cam kết đưa ra trong bản cáo bạch khi CPH chúng tôi đều vượt xa. Mặc dù tính từ thời điểm bắt đầu CPH đến khi lên sàn chỉ trong vòng chưa đến 1 năm nhưng chúng tôi đã có những bước tiến vượt trội và vững chắc.
- Là DN đầu tiên trong ngành dầu khí niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội, hẳn PVI phải chịu nhiều áp lực, thưa ông?
Theo dự kiến, doanh thu năm 2007 của PVI sẽ đạt 1.800 tỷ đồng và chia cổ tức là 15% (gấp 2 lần so với thông tin trong cáo bạch). PVI hiện là DN có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ở VN. PVI cũng là DN bảo hiểm duy nhất của VN có hợp đồng cố định về năng lượng ở London. Do uy tín và phí cạnh tranh, PVI hiện đã “vươn dài cánh tay” tham gia bảo hiểm các công trình dầu khí của Tập đoàn dầu khí VN tại Algeria, Malaysia, Venezuela, Ecuado... và sẽ tiếp tục mở rộng thị trường. Trong Tập đoàn Dầu khí chúng tôi là một trong những DN có tốc độ tăng trưởng nhanh và hoạt động hiệu quả. Sức mạnh của PVI không chỉ biểu hiện ở thị phần mà còn thể hiện ở tỷ suất lợi nhuận, năng suất lao động và đời sống của cán bộ nhân viên. Tính trung bình doanh thu của PVI đạt 2,5 tỷ đồng/người/năm. Chính vì vậy áp lực lớn nhất đối với chúng tôi là vượt qua chính những mục tiêu mà chúng tôi đề ra.
- Ông có kỳ vọng sau khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, giá cổ phiếu của PVI sẽ tăng?
Qua hai đợt đấu giá cho thấy các nhà đầu tư đánh giá cổ phiếu của PVI rất tốt. Hiện nay so với thị trường, cổ phiếu PVI vẫn ở mức khá cao. Với nội lực của mình, PVI có rất nhiều tiềm năng để phát triển vì vậy lên sàn cũng là dịp để các cổ đông nhìn nhận và đánh giá PVI thực tế hơn. Tôi hi vọng và tin tưởng vào cổ phiếu của PVI.
- Được biết PVI đang lựa chọn cổ đông chiến lược, vậy tiêu chí chọn đối tác của TCty là gì?
Tiêu chí chọn cổ đông chiến lược của chúng tôi là: Những nhà bảo hiểm lớn, giúp chúng tôi có các hợp đồng cố định tốt trên thị trường quốc tế đồng thời giúp chúng tôi xây dựng chương trình tái bảo hiểm toàn cầu để mở rộng hoạt động của PVI ra thị trường quốc tế; Những nhà đầu tư Tài chính lớn giúp chúng tôi triển khai kinh doanh trong lĩnh vực tài chính để đem lại lợi nhuận cao nhất cho cổ đông; Giúp PVI xây dựng và đào tạo đội ngũ để trở thành nhà bảo hiểm hàng đầu Việt Nam.
Sau khi chúng tôi công bố việc lựa chọn cổ đông chiến lược đã có 22 đối tác là các tập đoàn, cty, quỹ đầu tư đặt vấn đề trong đó có nhiều tập đoàn bảo hiểm và tài chính lớn của thế giới. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm PVI sẽ bán 10% cho một đến hai cổ đông chiến lược
- Lộ trình tăng vốn của PVI được thực hiện như thế nào thưa ông?
Đối với các nhà bảo hiểm, tăng vốn là tăng khả năng tự kinh doanh và nhận tái bảo hiểm để nâng cao hiệu quả kinh doanh, tạo đà cho sự phát triển kinh doanh trong nước và quốc tế. Theo dự kiến, trong lần tăng vốn tiếp theo lên 1.500 tỷ đồng vào năm 2008, chúng tôi sẽ đặc biệt lưu ý tới các cổ đông đã mua cổ phiếu PVI với giá cao (giúp PVI nộp về cho Tập đoàn gần 2.000 tỷ đồng) bằng cách nâng cao tỷ lệ quyền mua 1:1 cho các cổ đông cũ.
- Theo ông, đâu là thế mạnh lớn nhất của PVI hiện nay?
Thế mạnh lớn nhất của PVI bởi chúng tôi là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Thứ hai là Tập thể Lãnh đạo PVI am hiểu thị trường, biết xác định các bước đi chính xác đảm bảo sự phát triển bền vững của PVI. Thứ 3 là đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên của PVI. Chúng tôi có gần 700 cán bộ quản lý, nhân viên, họ được đào tạo bài bản và có khả năng làm việc độc lập cao. DN giống như một con tàu, muốn đi nhanh phải có động cơ tốt mà động cơ chính là cán bộ nhân viên.
- Xin ông cho biết một số dự án PVI đang và sẽ triển khai sau khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán?
Nếu nhìn vào thực tế thì PVI đang có tiềm năng phát triển rất tốt nhưng để trả lời câu hỏi còn cách nào tốt hơn không thì còn rất nhiều cách để phát triển, chẳng hạn thành lập các công ty con, quỹ đầu tư, liên doanh liên kết... bởi chúng tôi có tiềm lực, có lợi thế từ ngành dầu khí. Chính vì vậy, gần đây PVI đã có những bước đi dài mang tính chiến lược. PVI đã ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược trong đó có nội dung bảo hiểm dài hạn cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia và nhiều Tập đoàn kinh tế cùng các Tổng Cty mạnh khác điều này sẽ tạo lợi thế cho các bên trong hợp tác. Bên cạnh đó, PVI cũng đang tăng cường công tác đầu tư vào lĩnh vực tài chính, dự án. PVI đã tiến hành góp vốn vào các dự án lớn và các Cty tài chính như Thuỷ điện Việt Lào, Cty CP đầu tư Sao Mai Bến Đình, Cty CP Tài chính Sông Đà, Tài chính Vinaconex,...và tham gia đầu tư vào Cty chứng khoán Dầu khí, Cty cổ phần dầu khí Tản Viên, Nhà máy điện Việt Lào, Cảng Sao Mai- Bến Đình... Với chiến lược này, PVI sẽ chuyển hướng phát triển thành một Tổng Cty Tài chính bảo hiểm mạnh, tham gia mạnh vào quá trình hội nhập quốc tế.
Từ nay đến năm 2020 Tập đoàn Dầu khí sẽ đầu tư trên 30 tỷ USD trong đó có các dự án rất lớn như khu lọc hóa dầu ở Nghi Sơn, Long Sơn, các nhà máy điện, kinh doanh dầu thô... và đây là cơ hội rất tốt để chúng tôi vừa bảo hiểm vừa tham gia đầu tư. Hiện nay các mảng đầu tư của PVI vào dầu khí rất mạnh và hy vọng từ năm 2009 sẽ phát huy hiệu quả. Chiến lược đến năm 2010 PVI sẽ sẽ trở thành Tổng Cty bảo hiểm và tài chính dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông./.