Với sự chuẩn bị chắc chắn về vốn, nhân lực, đối tác nước ngoài, từ tháng 8-2011, Công ty Cổ phần PVI (PVI Holdings) đã tái cấu trúc thành công theo hướng trở thành định chế tài chính bảo hiểm với mô hình công ty mẹ - con để nâng cao năng lực cạnh tranh và sẵn sàng bước vào cuộc chơi toàn cầu của thị trường bảo hiểm. TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI Holdings về quyết định tái cấu trúc doanh nghiệp và chiến lược phát triển trong thời gian tới của PVI Holdings.
TBKTSG: Thưa ông, tại sao PVI quyết định tái cấu trúc vào thời điểm thị trường tài chính trong và ngoài nước đang gặp nhiều khó khăn, thị trường bảo hiểm cũng bị tác động mạnh?
- Ông Bùi Vạn Thuận: PVI ban đầu là Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ; sau đó chúng tôi phát triển thêm hoạt động tái bảo hiểm và hoạt động đầu tư tài chính. Nhưng hoạt động kinh doanh tái bảo hiểm và hoạt động đầu tư của một doanh nghiệp bảo hiểm bị ràng buộc bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật.
Khi PVI đã phát triển lớn mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân 37%/năm, chúng tôi thấy hoạt động của doanh nghiệp như chiếc áo đã quá chật nên phải tái cấu trúc, thay bằng chiếc áo phù hợp hơn. Chẳng hạn, phải có Tổng công ty Bảo hiểm PVI chuyên về hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ, Công ty Tái bảo hiểm PVI chuyên về các hoạt động tái bảo hiểm. Tiếp đó trong lộ trình phát triển chúng tôi sẽ thành lập công ty chuyên về bảo hiểm nhân thọ, công ty quản lý quỹ vì nếu chỉ đầu tư ngắn hạn hoặc giới hạn trong một lĩnh vực, hiệu quả kinh doanh sẽ không cao.
TBKTSG: Dư luận vẫn thắc mắc về thời điểm tái cấu trúc của PVI?
- Ông Bùi Vạn Thuận: Khi cơ hội dành cho doanh nghiệp chín muồi thì chúng tôi “lột xác”. PVI tái cấu trúc vì nhu cầu của PVI, vì đến thời điểm này cần thiết phải làm việc đó.
Một doanh nghiệp đủ năng lực tái cấu trúc trong giai đoạn thị trường khó khăn là doanh nghiệp phát triển tốt. Chúng tôi tin với sự thành công của tái cấu trúc, PVI sẽ có những bước phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
TBKTSG: Có ý kiến cho rằng thành công của PVI nhiều năm qua một phần là do sự độc quyền bảo hiểm trong lĩnh vực dầu khí nhờ lợi thế sẵn có của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thời gian tới PVI sẽ làm gì để chứng minh sự thành công của mình không chỉ nhờ những lợi thế này?
- Ông Bùi Vạn Thuận: Lợi thế đó chỉ là lợi thế ban đầu. Nay PVI đã chứng tỏ được năng lực của mình, được các nhà thầu dầu khí tin tưởng. Trước đây, việc thu xếp các chương trình bảo hiểm với thị trường quốc tế do các nhà môi giới nước ngoài đảm nhiệm. Hiện tại PVI không còn cần môi giới mà trực tiếp đứng ra thu xếp các chương trình bảo hiểm an toàn cho thị trường năng lượng.
Có thể nói đến ngày hôm nay PVI vẫn có lợi thế là thành viên của tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhưng bên cạnh đó cúng tôi đã phát triển các chương trình bảo hiểm sang các lĩnh vực trọng yếu khác của nền kinh tế như: điện, hàng không, hàng hải… Và chúng tôi còn có thế mạnh là đội ngũ nhân lực mạnh và năng lực tốt. Chúng tôi không còn là một công ty trong ngành bảo hiểm mà đã và đang trở thành một định chế tài chính bảo hiểm ở Việt Nam.
TBKTSG: Từ trước đến nay, thị phần trong lĩnh vực kinh doanh tái bảo hiểm luôn thuộc về các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài. Quyết định đẩy mạnh kinh doanh tái bảo hiểm sẽ được PVI thực hiện ra sao?
- Ông Bùi Vạn Thuận: Trong lĩnh vực kinh doanh tái bảo hiểm, quan trọng nhất là kỹ thuật và nhân sự. Đây là thị trường đòi hỏi sự sàng lọc rất cao. Chúng tôi thành lập Công ty Tái bảo hiểm PVI từ một ban phụ trách mảng tái bảo hiểm có nhiều kinh nghiệm, cộng với sự hỗ trợ của Hannover Re Group, một thương hiệu tái bảo hiểm lớn của đối tác Talanx. Thị trường tái bảo hiểm Việt Nam hiện chỉ có Công ty Tái bảo hiểm quốc gia, nay có thêm PVI nhận tái bảo hiểm từ nước ngoài và thu xếp tái bảo hiểm cho các công ty trong nước. Hoạt động này được dự báo sẽ đem lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho định chế tài chính bảo hiểm PVI. Nhưng quan trọng hơn là các công ty b ảo hiểm trong nước có thêm hàng hóa, tăng thị phần bảo hiểm trong nước, tăng động lực cạnh tranh và tăng tính chuyên nghiệp.