Lễ ký diễn ra dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, trưởng đại diện Thương mại Mỹ được đề cử, Đại sứ Susan C. Schwab.
Toàn bộ thành viên hai đoàn đàm phán cũng có mặt tại lễ ký kết. Những ly rượu vang đã được uống cạn sau khi hai bên trao cho nhau biên bản thỏa thuận.
Ngày lịch sử và thỏa thuận lịch sử
Các đại diện phía Mỹ dường như không tiếc lời ca ngợi khi nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của bản thỏa thuận bằng những từ: "lịch sử và lớn lao" (historic and great agreement).
Thông cáo báo chí của phía Mỹ nói "Mỹ và Việt Nam đã ký bản thỏa thuận lịch sử". Riêng Phó Đại diện Thương mại Mỹ Karan Bhatia, người vừa đặt bút ký vào biên bản khẳng định: "Hôm nay là một ngày lịch sử cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ".
"Đây là một thỏa thuận lớn cho nước Mỹ bởi nó mở ra một thị trường đầy sức sống và đang lên... Đồng thời cũng mở ra cánh cửa để Việt Nam gia nhập vào hệ thống thương mại tòan cầu.
Thông qua thỏa thuận này, Việt Nam sẽ trở nên minh bạch hơn trong hệ thống luật lệ thương mại, tăng cường tự do hóa kinh tế mang lại lợi ích cho người dân và tạo ra sân chơi bình đẳng hơn giữa các DN Việt Nam và nước ngoài", Ông Bhatia nói.
Theo biên bản thỏa thuận, Việt Nam sẽ miễn thuế hoàn toàn cho các sản phẩm IT như máy vi tính, bán dẫn. Việt Nam cũng đồng ý áp thuế 0% với máy bay.
94% các sản phẩm công nghiệp của Mỹ khi vào Việt Nam sẽ chịu mức thuế dưới 15%, trong khi 3/4 nông sản xuất khẩu của Mỹ sẽ chịu mức thuế từ 15% trở xuống.
Các nhà cung cấp dịch vụ của Hoa Kỳ cũng được quyền tiếp cận rộng hơn thị trường viễn thông (cả thị trường vệ tinh), phân phối, dịch vụ tài chính và năng lượng.
Thông cáo chính thức của phía Mỹ nói rằng, thỏa thuận này sẽ tạo ra những cơ hội mới hết sức quan trọng cho các nhà sản xuất và xuất khẩu công nghiệp, nông nghiệp cũng như các nhà cung cấp dịch vụ của Mỹ.
Vị Phó Đại diện thương mại Mỹ, người đã cùng ông Trương Đình Tuyển trải qua những giờ phút cam go nhất trong cuộc đàm phán với Mỹ cũng nói thêm về khía cạnh "lịch sử" của một bản thỏa thuận về thương mại này:
"Đây thực sự là bước đi lịch sử trong quan hệ hai nước chúng ta. Nó đánh dấu việc vượt qua một chướng ngại vật trên con đường bình thường hóa quan hệ đầy đủ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Mười một năm trước đây, Mỹ và Việt Nam đã đồng ý thực hiện một lộ trình bình thường hóa quan hệ. Chính quyền của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đã đi theo lộ trình này và bản thỏa thuận mà chúng ta ký kết hôm nay sẽ đưa chúng ta tới gần hơn tới mục tiêu chung: Việt Nam gia nhập WTO".
Một chi tiết khác được nhiều người lưu ý: lễ ký kết đã diễn ra ngay tại Dinh Thống nhất, từng là biểu tượng quyền lực một thời của chế độ cũ do Mỹ hậu thuẫn hơn 30 năm trước.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển, người đã trực tiếp tham gia chỉ đạo và tham gia đàm phán tại vòng cuối cùng ở Washington hồi trung tuần tháng 5 vừa qua chỉ nói:
"Đây là sự kiện đánh giá bước phát triển mới trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Tôi đánh giá cao nỗ lực không mệt mỏi của cả hai đoàn đàm phán để đi tới thỏa thuận này".
Lạc quan về PNTR
Trong khi một số giới sản xuất dệt may Hoa Kỳ lên tiếng phản đối bản thỏa thuận thì những tiếng nói đa số trong chính giới và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tỏ ra lạc quan về khả năng Quốc hội nước này sẽ nhanh chóng trao Quy chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam.
"Chúng tôi tin rằng sự ủng hộ để thông qua PNTR là rất mạnh mẽ và chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với hai đảng trong Quốc hội nhằm hoàn tất tiến trình này càng sớm càng tốt", Phó Đại diện Thương mại Mỹ khẳng định.
Trao đổi với báo giới, ông Bhatia nói thêm rằng: "Trong quá trình đàm phán, USTR luôn tham vấn với các nghị sỹ Quốc hội và đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều nghị sỹ và cộng đồng doanh nhân Hoa Kỳ. Họ nhận thức được tầm quan trọng to lớn của việc Việt Nam tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu.
Đang có những tín hiệu rất tốt và tôi lạc quan về khả năng Việt Nam sẽ được trao PNTR trong thời gian sớm nhất để kịp gia nhập WTO trong năm nay".
Về vấn đề này, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cung cấp thêm thông tin: Ngày ông đến Mỹ, có 40 doanh nghiệp Mỹ tham gia vào Liên minh hành động ủng hộ VN gia nhập WTO. Một tuần sau khi ông rời Mỹ, con số này tăng lên đến 100 doanh nghiệp.
"Cũng trong thời gian ở Mỹ, tôi gặp 13 nghị sỹ và không khí chủ đạo là ủng hộ trao PNTR cho Việt Nam", ông Tuyển cho biết.
Chuyện hậu trường: những đêm đàm phán không ngủ
Nhớ lại những giờ phút cam go nhất của cuộc đàm phán Việt - Mỹ, mọi chuyện gần như đổ vỡ vào đêm 12/5 khi Mỹ đưa ra những đòi hỏi khắc nghiệt đối với Việt Nam. 3h sáng, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã đứng dậy bỏ ra khỏi phòng đàm phán. Một vài thành viên trong đoàn cũng đứng lên đi theo. Riêng Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự vẫn ngồi lại...Phía Mỹ hội ý riêng và đưa ra cái hẹn hôm sau tiếp tục đàm phán. Thế căng thẳng được gỡ dần và hai bên đi tới được thỏa thuận lúc 2h45phút sáng 13/5.
Trả lời VietNamNet, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nói hành động bất ngờ đó của ông không phải là chiến thuật gì mà chỉ là một thói quen khi đối tác đưa ra những yêu cầu và đòi hỏi quá cao.
Tuy nhiên, như bình luận của một người quan sát đoàn đàm phán Việt - Mỹ: "giây phút chần chừ đó lại tỏ ra hiệu quả".
Bộ trưởng Tuyển kể: Khi đàm phán đang căng thẳng, ông nói với Rob Portman, Đại diện Thương mại Mỹ rằng: Các ông đưa ra những đòi hỏi khó khăn thế này có khác nào cho chúng tôi lấy con gái các ông mà không được "động phòng" với cô ấy!
Ông Portman cũng thẳng thắn đáp lại: "Ông Tuyển ơi, ông sẽ được cưới cô ấy và động phòng với cô ấy nếu ông đối xử tử tế với con gái chúng tôi"!
Đại sứ Bhatia, người trực tiếp đàm phán tay đôi với Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nói vui: "Ông Tuyển là một nhà đàm phán rất cứng rắn. Ông luôn không cho chúng ta và bản thân ông được ngủ".
"Nhưng ông là một nhà đàm phán tuyệt vời và ông cũng có một đoàn đàm phán rất mạnh", nhà đàm phán quốc tế "sừng sỏ" Bhatia thừa nhận.
Nói về sự phức tạp của đàm phán Việt - Mỹ, ông Bhatia giải thích "Mỹ có mối quan tâm rất lớn ở Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ có niềm tin vào tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam. Họ có những quan tâm và lợi ích khác nhau ở nhiều lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, do đó đàm phán không thể dễ dàng".
"Mặc dù chúng ta đều là những nhà đàm phán cứng rắn nhưng chúng ta tin tưởng vào tình hữu nghị giữa hai bên và niềm tin lẫn nhau để giải quyết mọi khó khăn", vị Phó Đại diện Thương mại Mỹ nói về bài học từ quá trình đàm phán Việt Nam - Hoa Kỳ.
Quan điểm này đã nhận được sự chia sẻ từ Bộ trưởng Thương mại Việt Nam.
Và tối nay (31/5), các nhà đàm phán Việt Nam - Hoa Kỳ cùng cộng đồng doanh nhân hai nước sẽ chia vui trong một bữa tiệc chiêu đãi ngay tại dinh Thống Nhất. Việt Nam đã nhường quyền tổ chức bữa tiệc này cho phía Mỹ.
Theo (Nguồn: VietNamNet , IIC cập nhật ngày 01/6/2006)