Ngày 24/3/2017 Hội đồng quản trị PVI vừa nhất trí thông qua quyết định nới room, nâng tỷ lệ sở hữu tối đa vốn điều lệ của cổ đông nước ngoài tại PVI tới 100%.
PVN thoái hết vốn tại PVI
Chủ trương thoái vốn của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) tại PVI đã được đặt ra ngay từ khi tiến hành cổ phần hoá. Về phía PVI, với kinh nghiệm thoái vốn trong nhiều năm qua, PVI đang có những chuẩn bị rất kỹ cho lộ trình thoái vốn của PVN trong thời gian tới.
Từ chỗ là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, PVI đã tiến hành cổ phần hoá giảm phần vốn nhà nước, rồi bán cổ phần cho các cổ đông chiến lược nước ngoài, và đến nay chỉ còn là doanh nghiệp “liên kết” của PVN với tỷ lệ sở hữu nhà nước tại PVI chỉ còn 35%, bên cạnh 2 cổ đông chiến lược nước ngoài gồm: Tập đoàn HDI Global: 35,74% và Quỹ đầu tư của Chính phủ Oman (OIF): 11,58%.
“Tôi đã báo cáo phương án Tập đoàn tiếp tục thoái vốn khỏi PVI. Nếu thực hiện thành công đề án này thì Tập đoàn sẽ thu về một khoản tiền khá lớn”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI tiết lộ. Số tiền mà ông Tuấn bật mí cho thương vụ thoái vốn này sẽ lên tới 2.400 tỷ đồng nếu Tập đoàn chấp nhận thoái hết vốn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định: “Khi PVI là thành viên của PVN, thì sẽ có lợi thế trong phát triển thị trường. Tuy nhiên, trong tổng cơ cấu doanh thu của PVI hiện nay, nhất là khi giá dầu giảm, thì doanh thu trực tiếp từ hệ thống PVN chỉ còn khoảng 25%, đã giảm đi rất nhiều so với thời điểm cao nhất trước đây là 85%. Điều đó cũng cho thấy rằng sự phát triển của PVI đã không còn phụ thuộc nhiều vào PVN.
Trên thực tế, PVI đã mở rộng thị trường ra ngoài thị trường của PVN như hàng không và ngày càng khẳng định thương hiệu nhà bảo hiểm công nghiệp hàng đầu trên thị trường Việt Nam”.
Còn đại diện cổ đông chiến lược Tập đoàn HDI Global thì rất tin tưởng vào tương lai phát triển của PVI ngay cả khi PVN thoái vốn hết. Về phía Tập đoàn HDI Global, cơ hội tăng vốn của đối tác này tại PVI phụ thuộc vào PVN và các cổ đông.
Ứng cử viên nặng ký
Ông Ulrich Heinz Wollschlager, Giám đốc Tài chính của HDI và là thành viên HĐQT của PVI Holding cho hay: “Chúng tôi rất hài lòng với khoản đầu tư vào PVI Holdings. Bởi ngay từ đầu khi mới trở thành nhà đầu tư chiến lược của PVI thì Tập đoàn HDI Global đã được hưởng lợi ngay từ khi mới góp vốn. PVI là một công ty làm ăn có lãi, sinh lời và các cổ đông như chúng tôi được trả cổ tức ngay từ năm đầu tiên”.
So với các thương vụ đầu tư thông thường ra nước ngoài của Tập đoàn HDI Global chủ yếu mang tiền đi đầu tư và tự thành lập một công ty, hoặc tự thành lập chi nhánh ở các quốc gia khác thì không chỉ tốn kém vốn đầu tư ban đầu mà còn mất rất nhiều thời gian để Công ty, chi nhánh đó hoạt động có lãi, thương vụ này có sự khác biệt. Tập đoàn HDI Global góp vốn và cử người vào thành viên HĐQT, tham gia hỗ trợ kỹ thuật.
6 năm nay, kể từ sau thương vụ mua lại 25% cổ phần từ PVN vào tháng 8/2011, Tập đoàn HDI Global đã đồng hành cùng PVI trên vai trò cổ đông chiến lược nước ngoài trong lĩnh vực bảo hiểm của PVI Holdings.
PVI cũng là DN đầu tiên trong ngành dầu khí có cổ đông chiến lược hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Bên cạnh cổ đông chiến lược là nhà đầu tư tài chính Quỹ đầu tư Oman, Tập đoàn HDI Global có một vai trò và sứ mệnh đặc biệt quan trọng là đưa PVI trở thành một định chế tài chính bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam và hiện thực hoá chiến lược “xuất khẩu bảo hiểm”. Sau 6 năm gắn bó, những thay đổi của PVI đã minh chứng rõ nét những nỗ lực cũng như đóng góp tích cực của Tập đoàn HDI Global để thực hiện các tham vọng thay đổi ở PVI.
PVI cũng đã có hoạt động về quản lý tài sản tách biệt rất là rõ ràng thành một công ty riêng, có xây dựng được những hướng dẫn về khai thác tài sản cụ thể để quản lý được rủi ro trong lĩnh vực bảo hiểm, tái bảo hiểm.
PVI đã có được những điều kiện cần thiết để có thể phát triển tốt hơn trong tương lai và với những thành tựu đã đạt được, PVI hoàn toàn có thể trở thành một thành viên quan trọng trong mạng lưới toàn cầu của Tập đoàn HDI Global, đặc biệt tại khu vực châu Á. Khi đã trở thành một thành viên của Tập đoàn HDI Global, mục tiêu nâng hạng năng lực tài chính của PVI trong lĩnh vực bảo hiểm và tái bảo hiểm sẽ dễ dàng hơn, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của PVI trên thị trường bảo hiểm quốc tế.
Năm 2016, tổng doanh thu hợp nhất PVI đạt 9.163 tỷ đồng, tương đương 107,9% kế hoạch năm 2016; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất PVI đạt 714 tỷ đồng, hoàn thành 139,8% kế hoạch năm 2016.
Tổng doanh thu Công ty mẹ đạt 984 tỷ đồng, tương đương 159,3% kế hoạch năm 2016; Lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ đạt 637 tỷ đồng, hoàn thành 208,6% kế hoạch năm 2016.
Thanh Bình