Sáng nay Bộ Tài chính, Sở GDCK Hà Nội trang trọng tổ chức lễ khai trương thị trường chứng khoán phái sinh.
Ngày 10/8, tại Sở GDCK Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Lễ ra mắt và khai trương thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam trong quá trình hoàn thiện cấu trúc thị trường chứng khoán, thị trường tài chính Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán cơ sở, nhu cầu phát triển những công cụ đầu tư mới như chứng khoán phái sinh trở thành một nhu cầu thiết thực, là bước tiếp theo để hoàn chỉnh cấu trúc thị trường tài chính bao gồm thị trường huy động vốn và thị trường phân tán rủi ro. Sự ra đời của TTCKPS là một bước hoàn thiện thị trường chứng khoán, thị trường tài chính Việt Nam, giúp cải thiện cơ sở nhà đầu tư, thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, nhờ đó, thúc đẩy thanh khoản trên thị trường cơ sở.
Đến tham dự Lễ khai trương TTCK phái sinh hôm nay có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Đinh Tiến Dũng, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Hồng Phó Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Doãn Toản Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Trần Văn Dũng Chủ tịch UBCK và các thành viên thị trường cũng như các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu tại buổi Lễ khai trương Thị trường Chứng khoán phái sinh Việt Nam, Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ cho biết, sau khi Việt Nam có thị trường cổ phiếu ra đời vào năm 2000 và thị trường trái phiếu chuyên biệt vào năm 2009 thì từ 10/08, sẽ có thêm thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS), là trụ cột quan trọng thứ ba trong cấu trúc của một thị trường chứng khoán hiện đại.
Theo Phó Thủ tướng, phát triển thị trường chứng khoán để tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội là một chủ trương lớn và nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong thời kỳ đổi mới.
Hơn 20 năm trước, Bộ Chính trị đã thống nhất cho phép Chính phủ thành lập UBCKNN để chuẩn bị và thúc đẩy sự ra đời của TTCK Việt Nam. Thị trường cơ sở bao gồm hai thị trường chính là thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu chính phủ đã lần lượt ra đời và có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Quy mô của thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã chiếm hơn 80% GDP, trong đó, thị trường cổ phiếu có quy mô bằng 57% GDP, thị trường trái phiếu có quy mô bằng 24% GDP; lượng vốn huy động qua thị trường chứng khoán đã chiếm khoảng 23% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội.
Nhiều doanh nghiệp cổ phần đã tận dụng được cơ hội do TTCK mang lại để huy động vốn, không ngừng phát triển và trở thành các doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam. TTCK cũng đã tham gia thu hút được một lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ cho nguồn nội lực để phát triển, đồng thời góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong quá trình phát triển của TTCK nói chung, sự ra đời của TTCK phái sinh là cần thiết, tất yếu nhằm hoàn thiện cấu trúc của thị trường tài chính và nằm trong chiến lược phát triển TTCK trong thời gian tới. Đây là thị trường có các sản phẩm phức tạp, chủ yếu giúp các nhà đầu tư phân tán và phòng ngừa rủi ro, đồng thời giúp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị BTC tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan ở trung ương và địa phương, tranh thủ sự hợp tác của quốc tế để tập trung thực hiện các nhiệm vụ.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về chứng khoán và thị trường chứng khoán phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế đất nước để tiếp tục phát triển TTCK đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước; trong đó tập trung xây dựng Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020 tầm nhìn 2030, trình Chính phủ phương án cụ thể hợp nhất 2 Sở GDCK theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và sửa đổi Luật Chứng khoán, trong đó cần ưu tiên xây dựng cơ sở pháp lý các sản phẩm phái sinh và TTCK phái sinh để tạo tiền đề cho phát triển sau này.
Thứ hai, vận hành thị trường chứng khoán phái sinh thông suốt, ổn định, đảm bảo an toàn, minh bạch và hiệu quả với nhiều cấp độ, đa dạng hóa các loại sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với mức độ phát triển TTCK. Sau sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số khai trương hôm nay, cần sớm nghiên cứu thời điểm thích hợp để tiếp tục đưa các sản phẩm phái sinh trái phiếu chính phủ và sản phẩm quyền chọn vào giao dịch.
Thứ ba, tăng cường quản lý, hoàn thiện mô hình giám sát và công bố thông tin trên TTCK phái sinh, đảm bảo khả năng phòng ngừa rủi ro cho hệ thống tài chính, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán.
Thứ tư, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ giao dịch và thanh toán bù trừ để bảo đảm an toàn, ổn định của thị trường, có khả năng kết nối, đồng bộ với các hệ thống giao dịch và giám sát thị trường.
Thứ năm, ưu tiên đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao ở các cấp độ: cơ quan quản lý, công ty chứng khoán, thành viên bù trừ, nhân viên nghiệp vụ. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và đào tạo để công chúng đầu tư sớm tiếp cận và tham gia tích cực vào TTCK phái sinh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các lãnh đạo bấm chuông khai trương thị trường