Cùng với sự biến đổi khí hậu, thiệt hại kinh tế do thiên tai đang có xu hướng tăng lên. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến các công ty Bảo hiểm/Tái bảo hiểm trong thời gian tới?
Theo báo cáo của Jefferies - một ngân hàng đầu tư độc lập đa quốc gia của Mỹ và công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại thành phố New York., mức độ thiệt hại tổn thất toàn cầu do thảm họa đã tăng gấp đôi so với mức trung bình dài hạn (khoảng từ 2008-2020) và tăng 87% so với mức trung bình 10 năm trở lại. Điều này cũng cho chúng ta thấy quy mô thiệt hại lớn hơn sẽ xảy ra nếu một sự kiện trong quá khứ xảy ra vào ngày hôm nay, do sự tích lũy giá trị kinh tế xã hội và các động lực khác như điều kiện thời tiết ngày càng thay đổi theo chiều hướng xấu đi.
Tính riêng mức độ tổn thất từ đầu năm 2021 đến nay (trung bình 8 tháng đầu năm) đã cao hơn 15% so với mức trung bình dài hạn và cao hơn 7% so với mức trung bình 10 năm. Trong đó, một sự kiện trấn động thị trường Bảo hiểm/Tái bảo hiểm trong thời gian qua chính là tổn thất do cơn bão Ida đã gây thêm thiệt hại khoảng 32,2 tỷ USD vào tháng 8. Bên cạnh đó, trận lũ lụt kinh hoàng xảy ra từ ngày 12 đến 18 tháng 7 năm 2021, ảnh hưởng đến các khu vực Tây và Trung Âu, bao gồm Bỉ, Pháp, Luxembourg, Hà Lan, Ý, Áo và Thụy Sĩ, mặc dù Đức vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo RMS, tổn thất được tái bảo hiểm ở Đức ước tính vào khoảng từ 3,5 tỷ euro (4,1 tỷ USD) đến 4,5 tỷ euro (5,3 tỷ USD), chiếm phần lớn tổng thiệt hại. Ông Daniel Bernet, giám đốc sản xuất của RMS đã có những nhận định liên quan đến trận lũ lụt này: “Về thiệt hại, sự kiện này được cho là có thể so sánh với những trận lũ lụt ở châu Âu tốn kém nhất trong lịch sử gần đây, lũ lụt Trung và Đông Âu năm 2002 và 2013. Tuy nhiên, không giống như các sự kiện năm 2002 và 2013, sự kiện năm 2021 xảy ra ở một khu vực khác với đặc trưng bởi sóng lũ dốc hơn và nhanh hơn nhiều với vận tốc dòng chảy cao hơn ở các sông nhỏ và phụ lưu. đã gây ra hư hỏng đáng kể về hạ tầng và rất đáng tiếc là số lượng người tử vong cao bất thường”.
Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng với xu hướng tổn thất mang tính thảm họa thiên nhiên ngày càng tăng cao, ngân sách của các nhà bảo hiểm/tái bảo hiểm sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Chỉ tính riêng với thiệt hại ước tính hơn 30 tỷ USD do bão Ida gây ra, Jefferies cho rằng mức độ tổn thất này đã vượt quá mức tự chịu của các công ty bảo hiểm, và sẽ tiếp tục đặt trách nhiệm lên vai các công ty tái bảo hiểm, dẫn đến tỷ lệ tổn thất tái bảo hiểm sẽ tăng lên. Các chuyên gia phân tích cho biết: “tháng 9 sắp tới, mùa bão Đại Tây Dương sẽ diễn ra, vì vậy các tổn thất do bão nhiệt đới ở Bắc Mỹ vẫn còn có thể xảy ra”.
Biến đổi khí hậu là một nguy cơ mang tính hệ thống đối với toàn thế giới. Không giống như đại dịch COVID-19 hay các đại dịch khác, nó không có sự kết thúc. Với xu hướng ngày càng phức tạp và gia tăng của các tổn thất mang tính thảm họa, chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ tổn thất của thị trường Bảo hiểm/Tái bảo hiểm. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy đây cũng có thể là cơ hội bởi hiện tại mới chỉ một phần thiệt hại này được bảo hiểm. Mặc dù khoảng cách về bảo hiểm đã giảm dần trong những năm gần đây ở các nước công nghiệp phát triển, nhưng vẫn còn một khoảng cách đáng kể ở các nước đang phát triển và mới nổi.
Vậy, các công ty Bảo hiểm/Tái bảo hiểm có nên có sự thống nhất trong chính sách khai thác liên quan đến các tổn thất thiên tai này để đảm bảo sự ổn định và giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến
lợi nhuận chung của thị trường? Ông Christian Mumenthaler, CEO của Swiss Re nhận định: “Với vai trò là người nhận rủi ro, các công ty bảo hiểm/tái bảo hiểm có khả năng nhìn rõ hơn về tần suất gia tăng và mức độ nghiêm trọng của một số thảm họa thời tiết nhất định, chẳng hạn như lũ lụt và cháy rừng. Tôi nghĩ điều quan trọng cần lưu ý là ngành bảo hiểm và tái bảo hiểm không thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu không phải là một rủi ro; biến đổi khí hậu là một xu hướng, một vấn đề thực tại. Vì vậy, đường xu hướng trong những năm qua sẽ do xã hội tạo ra, không phải do bảo hiểm hay tái bảo hiểm”. Ông Mumenthaler giải thích rằng vai trò của các công ty tái bảo hiểm trong xã hội là đưa ra các cảnh báo, định giá cho người được bảo hiểm nhằm bảo vệ sự biến động và sai lệch so với giá trị trung bình”.