Sau 1 năm đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng và ghi dấu ấn, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, sẽ tiếp tục dồn sức cho kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) trong năm 2017. Tuy nhiên, không có số liệu nào được các doanh nghiệp bảo hiểm công bố về bancassurance cho năm nay.
Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) cho hay, năm nay, MIC đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu bán bảo hiểm qua ngân hàng tăng gấp đôi so với con số đạt được năm 2016. Lãnh đạo MIC kỳ vọng, với sự quyết tâm của MIC và ngân hàng đối tác trong bán chéo sản phẩm, MIC sẽ hoàn thành kế hoạch được giao.
Năm 2016, doanh thu từ bancassurance của MIC chiếm 10% tổng doanh thu, tăng trưởng 30% so với 2015. Từ đầu năm đến nay, MIC đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tổ chức nhiều khóa đào tạo cán bộ, nhân viên về công tác bán chéo sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng.
Là hãng bảo hiểm có cổ đông lớn là ngân hàng (SCB và Eximbank), Bảo hiểm Bảo Long cho biết, sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới bán lẻ truyền thống trong năm 2017 trên cơ sở xây dựng 7 trụ cột bán lẻ, trong đó có bancassurance, góp phần đưa hãng này vượt mốc 1.000 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm (dự kiến đạt 1.008 tỷ đồng), tăng trưởng 25% so với thực hiện 2016.
Cũng theo Bảo hiểm Bảo Long, hãng này còn hợp tác với các ngân hàng khác như LienVietPostBank, TPBank, ACB… để phát triển hơn nữa kênh bancassurance.
Không tiết lộ con số chi tiết, song Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho hay, năm 2017, ngoài thúc đẩy kênh bán hàng qua môi giới bảo hiểm và tập trung triển khai hợp đồng với Vietcombank, PJICO sẽ đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác với một số ngân hàng mới, phù hợp với định hướng kinh doanh bancassurance của Hãng.
Cũng theo PJICO, việc tiếp tục đẩy mạnh khai thác bán bảo hiểm qua ngân hàng lớn đã mang lại doanh thu khá tốt trong năm qua, vượt mức 150 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2016, PJICO hợp tác toàn hệ thống với Vietcombank, hợp tác độc quyền sản phẩm xe ô tô và nhà tư nhân với HD Bank, hợp tác với khối khách hàng cá nhân của VPBank, hợp tác bảo hiểm chăm sóc sức khỏe với Maritime Bank, bảo hiểm xe ô tô tập trung với VPBank.
Còn tại CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC), ông Đinh Việt Đông, Chủ tịch HĐQT ABIC cho biết, giai đoạn 2017-2020 sẽ củng cố và phát triển mô hình kênh phân phối bancassurance giữa ABIC và Agribank, phấn đấu đạt trên 20.000 đại lý viên đạt tiêu chuẩn vào năm 2021.
Chưa có thống kê chính thức về con số đạt được từ kênh bancassurance, nhưng theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, việc hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng và ghi dấu ấn nhất định trong năm 2016 đã tạo động lực cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tấn công mạnh hơn vào mảng này trong năm 2017, đặc biệt là với những hãng bảo hiểm mà bancassurance đang giữ một tỷ trọng không nhỏ.
Tại Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI), năm 2016, kênh bancassurance đạt hơn 514 tỷ đồng doanh thu, chiếm 17% tổng doanh thu, hoàn thành 120% kế hoạch đề ra. Trong cơ cấu doanh thu, bancassurance đứng sau kênh đại lý khác (38%) và kênh VN Post (chiếm 20%), nhưng đứng trước kênh môi giới (12%), kênh showroom (10%), Telesale (2%), đăng kiểm (1%).
Theo PTI, ngoài có thêm khách hàng Hàn Quốc và mở rộng thêm 5 công ty thành viên, kênh môi giới tăng trưởng đột biến, kênh Telesale tăng trưởng 150% (do được đầu tư các chương trình bán hàng), kênh bancassurance (trong đó có việc mở rộng khai thác qua Ngân hàng Shinhan) đã góp phần đưa PTI về đích kế hoạch kinh doanh 2016. Năm này, tăng trưởng doanh thu của PTI đạt 26%, tương ứng hơn 3.096 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP PVI (Công ty mẹ của Bảo hiểm PVI) cho biết, năm 2016 là năm thành công trong hoạt động đa dạng hóa các kênh phân phối, đặc biệt là bancassurance, khi việc hợp tác với các ngân hàng đã được nâng tầm.
Cụ thể, có 10 ngân hàng và tổ chức tín dụng đã ký kết với Bảo hiểm PVI, đạt doanh thu 210 tỷ đồng, tăng trưởng 80%, góp phần giúp hệ thống bán lẻ tăng trưởng cao 20% và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, bù đắp cho sự giảm sút về doanh thu và lợi nhuận tại thị trường truyền thống (ngành dầu khí).