Lẽ đương nhiên, ở cương vị của mình, điều ông Nguyễn Anh Tuấn quan tâm hay nói đúng hơn là chịu trách nhiệm, chính là vạch ra chiến lược phát triển cho doanh nghiệp. Thế nhưng, nói ông "say" chiến lược cũng chẳng ngoa, bởi nhìn nhận từ góc độ của một doanh nghiệp cụ thể, hay rộng hơn là nền kinh tế, ông đều tư duy theo nguyên tắc... chiến lược. Thế nên, mới có chuyện mở đầu, ông giành quyền "hỏi" khi đặt vấn đề: Ai sẽ quan tâm đến bài phỏng vấn này? Câu trả lời của tôi: Ít nhất là người PVI và đối thủ cạnh tranh... Vấn đề là nội dung câu chuyện giữa tôi và ông có đủ thu hút người đọc hay không? "Đó, vì vậy mỗi khi quyết định điều gì, tôi buộc phải có được câu trả lời cho việc hành động như vậy để làm gì và lượng hóa kết quả, thậm chí cả hậu quả...", - lời tự bạch của ông Tuấn.
THAM VỌNG LỚN - TỰ TIN THÁI QUÁ VÀ SỰ TỈNH TÁO CỦA CÁI ĐẦU LẠNH?
Theo số liệu của Cục Quản lý - Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ năm 2012 đạt 17.916 tỷ đồng, tăng 11,9% so với mức tăng 16,2% năm 2011. Năm này cũng ghi nhận cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nhằm gia tăng thị phần doanh thu khai thác mới. Chưa hết, năm 2013 được nhìn nhận còn đầy áp lực với ngành này, đến mức có người ví von - Bảo hiểm nhân thọ khó thọ!? Vậy nên, khi Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ PVI Sun Life chính thức nhập cuộc và không e ngại tuyên bố - chúng tôi sẽ là số 1 của thị trường bảo hiểm nhân thọ đã khiến nảy sinh câu hỏi, đây phải chăng là động thái PR hay sự khoa trương thanh thế?
Trong những câu chuyện bên lề thị trường, PVI được gắn tên là "ông số 1". Không phủ nhận điều này có được từ những kết quả kinh doanh của PVI. Nhưng nó cũng dễ khiến PVI ngủ quên trong sự tự tin thái quá hoặc lạc bước vì tham vọng quá lớn của mình, thưa ông?
Có một nguyên tắc, một văn hóa của PVI, đó là, không làm thì thôi, đã làm thì phải là số 1. Trong kinh doanh, chính các tố chất - khát vọng, tự tin sẽ tạo nên chất men để chiến thắng. Nhưng không thể thiếu sự tỉnh táo của cái đầu lạnh. Tư duy chiến lược, sản phẩm của cái đầu lạnh được kiến tạo từ khát vọng, trái tim nóng bỏng và năng lực thực tế.
Vì sao PVI lại mở mang sang lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, hơn nữa, lại vào thời điểm thị trường khó khăn?
Chiến lược phát triển của PVI là trở thành một định chế Bảo hiểm - Tài chính hàng đầu của khu vực, vì vậy, việc phát triển sang mảng bảo hiểm nhân thọ và quỹ đầu tư là những bước đi cụ thể cần thiết. Thực ra, việc kinh doanh bảo hiểm có từ cả trăm năm nay rồi, PVI không đưa ra mô hình gì mới lạ, nhưng điều quan trọng là khi nhập cuộc, PVI phải có được tư duy khác biệt. Chúng tôi luôn bám chắc vào chiến lược - tập trung vào năng lực cốt lõi. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt các mảng kinh doanh của PVI chính là cạnh tranh bằng lợi thế so sánh, sự khác biệt, nhất định không lao theo phong trào. Có thể nói, chính việc PVI giữ vững vị thế nhà bảo hiểm công nghiệp số một ngay cả khi thị trường đầy khó khăn như năm 2012, đã tạo nên "lợi thế khác biệt" mà không một doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ nào có được ngay khi tham gia thị trường.
Vì sao lại vào lúc này ư - Chính là vì tiềm năng và kích cỡ thị trường còn rất nhiều dư địa cho tăng trưởng. Hiện, theo khảo sát trong giới bảo hiểm, tỷ lệ doanh thu bảo hiểm nhân thọ/GDP của Việt Nam còn rất thấp, ở mức 1,5%, trong khi các nước trong khu vực mức trung bình là 4-5%. Chúng ta có 90 triệu dân, nhưng mới chỉ có khoảng 5 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tỷ lệ lượng người tham gia bảo hiểm nhân thọ phản ánh sự tiến bộ của xã hội. PVI Sun Life cam kết cung cấp nhiều sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.
Không chỉ PVI Sun Life nhìn ra cơ hội, năm 2013, nhiều nhà đầu tư nước ngoài hiện có đã tăng vốn tại Việt Nam và ghi nhận thêm những công ty bảo hiểm quốc tế tên tuổi tham gia thị trường. Nhưng, chính việc rút lui của New York Life (Mỹ), Allianz (Đức) cho thấy độ khó của cuộc chơi?
Thị trường có người vào người ra là chuyện bình thường (cười). Thị trường dẫu có hay, có nhiều tiềm năng đến mấy nhưng không phải ai tham gia cũng thành công. Cũng không thể chủ quan nói rằng cứ có chút “ngoại” tham gia vào doanh nghiệp là có thể thành công. Vấn đề cũng không phải là nhà nước hay tư nhân, đầu tư nước ngoài hay trong nước, mà vấn đề cốt lõi là anh có chiến lược đúng không? Có phát huy tối đa lợi thế so sánh của doanh nghiệp hay không?
Từ năm 2006, thị trường bảo hiểm đã mở cửa và PVI ngay lập tức phải đối mặt với các đối thủ quốc tế ở cả thị trường trong và ngoài nước. Nếu không có tư duy khác biệt và vận dụng lợi thế so sánh thì PVI không thể có được vị thế ngày hôm nay.
Nói một cách cụ thể đâu là lợi thế so sánh của tân binh PVI Sun Life, thưa ông?
Người khai mở thị trường có lợi thế tiên phong. Nhưng người đi sau cũng có lợi thế của mình. Chẳng hạn, người đi sau chỉ cần xây dựng một môi trường tốt, nhân tài sẽ tự tìm đến mà trong bảo hiểm nhân thọ chất lượng con người chính là chất lượng dịch vụ. PVI Sun Life sẽ dùng chiến lược “lợi thế người đi sau” để kinh doanh. Một lợi thế so sánh nữa của PVI Sun Life chính là niềm tin mà thương hiệu PVI đã tạo dựng được trên thị trường, với các khách hàng là những doanh nghiệp lớn. Với những tổ hợp khách hàng lớn đã đồng hành cùng PVI trong suốt thời gian qua như PetroVietnam, Vietnam Airlines, EVN, VNPT..., chúng tôi tự tin, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ theo nhóm sẽ được thị trường đón nhận mạnh mẽ... Công việc còn lại là truyền lửa, xây dựng văn hóa doanh nghiệp để hiện thực hóa mục tiêu.
Một lợi thế khác biệt nữa là việc lựa chọn đối tác Sun Life Financial, một tập đoàn tài chính bảo hiểm hàng đầu của Canada, nằm trong top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững nhất thế giới, đứng đầu về bảo hiểm hưu trí tại thị trường Canada với 40% thị phần.
NGÔI VỊ SỐ 1 - CHỈ LÀ THỜI GIAN!
Gắn với bảo hiểm nhân thọ, lâu nay, thị trường ghi nhận sự bám đuổi giữa những tên tuổi Prudential và Bảo Việt Nhân thọ, Manulife... Thị trường có kẻ đến người đi nhưng thứ hạng top đầu không mấy thay đổi.
Theo góc nhìn của ông, vì sao Prudential có thể ở ngôi vị đầu bảng lâu như vậy?
Để dẫn đầu thị trường, Prudential đương nhiên phải có chiến lược đúng. Họ giữ ngôi vị cũng còn do thị trường chưa có những đối thủ xứng tầm.
Vậy, PVI Sun Life sẽ soán ngôi vương cách nào?
Chúng tôi đang nỗ lực cao nhất để tập trung phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Còn điều gì phải đến nó sẽ đến.
Xin lỗi nếu nói rằng, đó chỉ là tuyên bố thể hiện sự tự tin, tham vọng hay chiến lược của PVI. Cần lượng hóa những khái niệm về sự khác biệt và đứng đầu này, thưa ông?
Chúng tôi đảm bảo, ngay khi đưa sản phẩm ra thị trường, thì chất lượng sản phẩm của PVI Sun Life phải là số một. Cứ đưa ra sản phẩm tốt nhất về chất lượng và dịch vụ, không sớm thì muộn sẽ đến ngày đứng đầu về thị phần. Tốc độ tăng trưởng là sự chứng thực đảm bảo nhất cho chất lượng sản phẩm của PVI Sun Life. Chúng ta sẽ cùng chờ xem!
Thưa ông, so với kế hoạch ban đầu, PVI Sun Life chào thị trường muộn hơn, có thể coi là sự khởi đầu không như ý?
Chúng tôi chấp nhận điều chỉnh tiến độ để đảm bảo mọi việc phải thật sự chỉn chu trước khi vận hành cả hệ thống. Phải đảm bảo đưa ra sản phẩm được khách hàng công nhận là tốt nhất ngay từ những ngày đầu tiên.
Nhưng bồi đắp niềm tin của khách hàng, không phải là chuyện ngày một ngày hai, thưa ông?
Đúng vậy! Niềm tin của khách hàng đối với PVI trong 17 năm qua chính là một lợi thế khác biệt của chúng tôi, và PVI Sun Life chắc chắn sẽ được kế thừa lợi thế khác biệt này.
Vậy, nếu cần đưa ra một slogan cho thương hiệu mới mẻ này, ông sẽ nói gì?
Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm mang tính nhân văn với đầy đủ ý nghĩa của chữ "Life" - cuộc đời và sự sống. Tôi thích slogan "PVI Sun Life – I love our lives (Tôi yêu cuộc sống)".
Ông nói nhiều đến chiến lược, vậy còn điều gì nữa khiến ông tâm đắc trong kinh doanh?
Lão Tử có câu: Mình đặt lợi ích của mình sau của người đời thì người đời đặt lợi ích của mình lên phía trước. Nói về cá nhân tôi, chữ Hòa luôn được tôi coi trọng trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh. Ngôn từ hiện đại được hiểu là win-win hài hòa về mặt lợi ích. Vì vậy, PVI Sun Life theo đuổi tiêu chí đặt lợi ích của khách hàng lên trước.
'CHIẾN LƯỢC" VÀ 'TÌNH THẾ"
Tôi đặt câu hỏi, trong bối cảnh hiện nay, có điều gì khiến ông Nguyễn Anh Tuấn quan ngại trong việc định hướng phát triển của PVI? Không mất nhiều thời gian để có câu trả lời: "Không có gì". Nhưng ông trở nên trầm tư khi nói đến những lỗ hổng của nền kinh tế hiện nay. Cần có người nhạc trưởng đủ tầm để giải quyết vấn đề trên bình diện tổng thể, tránh sa đà vào giải quyết tình thế. Cuộc tranh luận về giải cứu hay không giải cứu thị trường bất động sản mỗi lúc một nóng bỏng, nhưng không thấy những kiến giải về gốc rễ vấn đề? Và gói 30 nghìn tỷ đồng giải cứu ấy sẽ lấy từ đâu, cách nào? Như vậy, muôn thuở chỉ là tranh luận mà thôi - ông Tuấn bày tỏ.
Vậy ông nhìn nhận, đâu là vấn đề cốt lõi?
Vấn đề từ chính việc hệ thống kinh tế thiếu đi những giải pháp tài chính dài hạn. Nền kinh tế, doanh nghiệp, đến cả những cá nhân cũng bị cuốn vào cơn sốt đầu tư dài hạn bằng nguồn vốn vay ngắn hạn. Vì thế, mất cân đối giữa vốn vay và tài sản, giữa vốn vay và nghĩa vụ trả nợ... Thị trường vốn mới nghiêng về ngắn hạn, kênh tạo dựng vốn dài hạn qua thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm... chưa phát triển đồng bộ với nhu cầu vốn của thị trường. Vừa rồi, theo tôi biết chúng ta đã huy động thành công cho trái phiếu chính phủ, nhưng đừng vội mừng về điều đó khi hầu hết các nhà đầu tư là từ ngân hàng với nguồn vốn huy động được là từ nguồn ngắn hạn. Thiếu đi các công cụ phát triển về vốn, thị trường vốn mất đi sự cân đối. Khi có nhiều công ty bảo hiểm, nhiều quỹ đầu tư hoạt động hiệu quả sẽ mang lại nguồn vốn dài hạn, giúp cho thị trường phát triển lành mạnh, như vậy, nền kinh tế và doanh nghiệp mới có điều kiện phát triển được.
Còn ở góc độ doanh nghiệp, khủng hoảng đến từ đâu, thưa ông?
Không có chiến lược đúng nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải trả giá đắt do tâm lý đầu tư theo đám đông. Rất nhiều doanh nghiệp chưa có ý thức đầy đủ trong xây dựng chiến lược. Chúng ta cần tạo dựng một "bộ chỉ huy chiến lược", thay vì luôn phải tạo ra "một bộ máy giải quyết tình thế". Hai chữ "tình thế" cho thấy sự bị động, luôn bị tình huống dẫn dắt và các giải pháp chỉ mang tính tạm thời, không thể giải quyết căn nguyên của vấn đề. Một khi có "bộ chỉ huy chiến lược" với nhiều kịch bản ứng phó khác nhau sẽ đảm bảo tính chủ động trong mọi tình huống.
Với PVI, xây dựng chiến lược được thực hiện như thế nào?
PVI xác định tầm nhìn đến 2025 trở thành định chế Bảo hiểm - Tài chính tầm cỡ khu vực. Trên cơ sở mục tiêu chiến lược đề ra, PVI xây dựng chiến lược theo chu kỳ 5 năm, cập nhật từng năm. Chiến lược không phải cái đề ra khuôn cứng, mà cần được xem xét cập nhật và điều chỉnh phù hợp với diễn biến của nền kinh tế và vận động xã hội... Sau khi tái cấu trúc, PVI xây dựng mô hình quản trị trong đó có Ủy ban Kiểm toán và Quản trị rủi ro cùng Ủy ban Chiến lược và Phát triển giúp việc Hội đồng quản trị. Ủy ban Chiến lược và Phát triển có nhiệm vụ tư vấn cho HĐQT về chiến lược và quản trị chiến lược để HĐQT lãnh đạo hoạt động kinh doanh theo đúng chiến lược đã được vạch ra.
*****
Câu chuyện của chúng tôi khép lại ở kế hoạch ra mắt công ty quản lý tài sản của PVI trong năm nay. Một lần nữa, ông Tuấn không ngại tuyên bố, vẫn với chiến lược khác biệt, công ty quản lý tài sản của PVI chắc chắn sẽ lại... là số 1. Lần này, đối thủ cạnh tranh là hàng loạt các quỹ và các ngân hàng. Nói, dĩ nhiên ai cũng có thể, nhưng thực tế sẽ thế nào - vậy thì hãy chờ xem, như lời hẹn của ông!