Ngày 14/9 tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đã chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả công tác đầu tư của Tập đoàn 8 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ và giải pháp trong các tháng cuối năm.
Cùng dự có các Thành viên HĐTV: Bùi Minh Tiến, Phạm Tuấn Anh; các Phó Tổng Giám đốc: Dương Mạnh Sơn, Lê Ngọc Sơn, Phan Tử Giang, cùng lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị thành viên, các ban quản lý dự án trực thuộc Tập đoàn.
Tại buổi họp, Ban Kinh tế Đầu tư Tập đoàn đã trình bày báo cáo về kết quả thực hiện công tác đầu tư 8 tháng năm 2023 của Tập đoàn. Trong đó cho biết, tỷ lệ thực hiện đầu tư còn thấp so với kế hoạch được phê duyệt do các đơn vị tập trung triển khai công tác chuẩn bị trong nửa đầu năm và sẽ thực hiện, giải ngân mạnh vào các tháng cuối năm. Mặt khác, có nhiều nút thắt ở một số dự án có kế hoạch vốn lớn của Petrovietnam/đơn vị dẫn đến tiến độ thực hiện và giải ngân dự án còn chậm.
Kế hoạch đầu tư còn lại của toàn Tập đoàn 4 tháng cuối năm là rất lớn, gần 39,1 nghìn tỷ đồng. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Petrovietnam cùng người đại diện tại các đơn vị sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt để xử lý các điểm nghẽn đầu tư, đặc biệt tại các dự án có kế hoạch vốn lớn, các dự án trong Chuỗi dự án Lô B, phấn đấu giá trị thực hiện và giải ngân trong 4 tháng cuối năm đạt kết quả cao, tạo đà cho các năm tiếp theo.
Một số nhiệm vụ chính trong 4 tháng cuối năm 2023 là Tập đoàn/các đơn vị tiếp tục chủ động, trách nhiệm trong việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành; tiếp tục thực hiện Chỉ thị, Thông báo kết luận của lãnh đạo Tập đoàn trong công tác quản trị đầu tư và quản lý các dự án đầu tư. Thực hiện cập nhật và trình Hội đồng đầu tư, lãnh đạo Tập đoàn xem xét phê duyệt Danh mục đầu tư (DMĐT) thay thế DMĐT ban hành năm 2021, làm cơ sở định hướng cho công tác đầu tư của Tập đoàn các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư năm 2024 có tính khả thi, đồng thời có tính phấn đấu cao, trong đó chú ý phân tích, đánh giá bối cảnh, điều kiện triển khai, dự báo các kịch bản, tình huống xảy ra để xây dựng các giải pháp cụ thể, phù hợp. Các ban Tập đoàn hoàn thành xây dựng/sửa đổi, ban hành các văn bản nội bộ của Tập đoàn theo kế hoạch; phối hợp với nhà thầu NGS hoàn thành và đưa vào sử dụng ERP giai đoạn 1.
Lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo các ban chuyên môn cùng các đơn vị thành viên, ban quản lý dự án đã trao đổi, báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư của đơn vị. Trong đó tập trung thảo luận về các khó khăn đang gặp phải từ đó có phương án xử lý, giải pháp cụ thể thực hiện kế hoạch đầu tư năm 2023 và giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, lãnh đạo Tập đoàn cũng cho ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với từng đơn vị, dự án, đồng thời yêu cầu các đơn vị, ban quản lý dự án cần tăng cường công tác quản trị đầu tư, cập nhật, rà soát DMĐT để đưa vào kế hoạch, cân đối các nguồn lực để triển khai thực hiện một cách hiệu quả.
Sau khi nghe các ý kiến đánh giá, trao đổi của lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho rằng hiện nay bức tranh đầu tư của Tập đàn còn nhiều điểm khó khăn, nhiều "nút thắt" phải được tháo gỡ. Tổng Giám đốc nhấn mạnh hoạt động đầu tư là một trong 3 hoạt động chính của doanh nghiệp, doanh nghiệp muốn có tăng trưởng thì phải có phát triển mở rộng thị trường thông qua công tác đầu tư. Vấn đề quan trọng trong công tác đầu tư được Tổng Giám đốc lưu ý là việc Tập đoàn cũng như các đơn vị, ban quản lý dự án phải tập trung, tăng cường năng lực cho công tác quản trị đầu tư vì nếu không quản trị tốt thì sẽ rất lãng phí các nguồn lực, chiến lược, kế hoạch đã xây dựng, chuẩn bị.
Để công tác đầu tư trong thời gian tới được cải thiện, Tổng Giám đốc yêu cầu các Phó Tổng giám đốc phụ trách các lĩnh vực, các ban chuyên môn theo phân công tập trung rà soát tổng thể hệ thống quy định về đầu tư, quản trị DMĐT cùng với phân cấp và phân công trách nhiệm cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có báo cáo định kỳ về việc thực hiện đầu tư theo quy chế của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên.
Đối với từng lĩnh vực, Tổng Giám đốc đề nghị tập trung các nguồn lực triển khai đầu tư các dự án lớn như NMĐ Nhơn Trạch 3&4, NMĐ Ô Môn III, Ô Môn IV, dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, các dự án hóa dầu cùng một số dự án trọng điểm khác. Đồng thời, giao PTSC xây dựng chiến lược đầu tư phục vụ cho mục tiêu làm dịch vụ công nghiệp năng lượng, đón đầu và đầu tư dài hạn cho lĩnh vực này.
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh Tập đoàn cần phải nỗ lực hết sức, tháo gỡ các "nút thắt" trong đầu tư để tăng trường, xứng đáng vị trí Tập đoàn kinh tế lớn nhất cả nước, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Chính phủ.
H.A