(ĐTCK) Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam vừa trải qua một năm với nhiều thách thức, ông có thể cho biết tổng quan về thị trường trong năm 2023?
Năm 2023, kinh tế vĩ mô toàn cầu và trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những yếu tố không thuận lợi đó đã tác động tới nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực bảo hiểm. Mặc dù vậy, với nỗ lực triển khai hàng loạt chính sách của Chính phủ về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế và việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm, thị trường bảo hiểm kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho thị trường hồi phục vào những năm tiếp theo.
Tính đến ngày 30/11/2023, thị trường bảo hiểm có 82 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bao gồm 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 913.336 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 762.580 tỷ đồng, tăng 12,78% so với cùng kỳ. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 190.227 tỷ đồng, tăng 7,09% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.596 tỷ đồng, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2%, thị trường bảo hiểm nhân thọ giảm khoảng 12,5% so với cùng kỳ. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước khoảng 86.467 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ.
Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã nỗ lực tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã có những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định và bền vững, đảm bảo tối đa quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Ngoài ra, cơ quan quản lý đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đối với các tổ chức, cá nhân.
Hiện tượng nhân viên ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm đã tạo ra không ít bức xúc cho dư luận xã hội. Ông có thể cho biết những biện pháp nào mà cơ quan quản lý đã triển khai để hạn chế tối đa tình trạng đó?
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng có nêu tình trạng một số nhân viên ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi tới giao dịch qua ngân hàng. Để chấn chỉnh tình trạng này, chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra.
Về công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường chất lượng của kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), trong đó bổ sung điều kiện đối với các đại lý tổ chức. Ngoài các điều kiện như trước đây, đại lý tổ chức phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự và các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ.
Các văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bổ sung các quy định nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ hơn đối với kênh bancassurance, bao gồm: nhóm quy định liên quan đến các điều kiện đối với đại lý bảo hiểm là ngân hàng, nhóm các quy định về nguyên tắc khai thác bảo hiểm qua ngân hàng đối với doanh nghiệp bảo hiểm, nhóm quy định về trách nhiệm của tổ chức đại lý là ngân hàng trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm; bổ sung các yêu cầu đối với các tài liệu minh họa bán hàng và tài liệu giới thiệu sản phẩm, thể hiện rõ các quyền lợi bảo hiểm mà sản phẩm mang lại, tránh cách diễn đạt không rõ ràng, gây kỳ vọng sai hoặc hiểu lầm về những quyền lợi của sản phẩm bảo hiểm. Đối với các tài liệu minh họa bán hàng của các sản phẩm bảo hiểm phân phối qua tổ chức hoạt động đại lý, tài liệu minh họa bán hàng phải có thêm những thông tin tối thiểu, cần thiết…
Về công tác quản lý, giám sát và thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính tăng cường các hoạt động này đối với kênh bancassurance, các trường hợp phát hiện vi phạm đều tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Bộ thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về lĩnh vực bảo hiểm.
Đầu tháng 10/2023, Bộ Tài chính (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) và Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) đã ký kết Quy chế phối hợp công tác nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách; thanh tra, kiểm tra và giám sát; kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách, qua đó kiến nghị điều chỉnh phù hợp; phát hiện các hành vi vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm để chấn chỉnh, xử lý nghiêm, kịp thời, đảm bảo hoạt động đại lý bảo hiểm an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt tuân thủ quy định không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Cụ thể hơn, tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm phải thể hiện rõ việc tham gia các sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để thực hiện các hoạt động, dịch vụ tài chính của tổ chức tín dụng.
Bộ còn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường các biện pháp giám sát chất lượng tư vấn bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng như thiết lập đường dây nóng, hòm thư điện tử và công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện giám sát độc lập hoạt động cung cấp thông tin và tư vấn sản phẩm bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung ủy quyền tại hợp đồng đại lý của tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa phát triển. Để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, cơ quan quản lý sẽ tập trung vào các giải pháp cốt lõi gì trong thời gian tới?
Để tiếp tục hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội, cùng với các giải pháp, biện pháp đã triển khai, trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm theo hướng rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý, giám sát của cơ quan quản lý.
Bộ Tài chính hướng tới quản lý, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở rủi ro thông qua việc kiểm tra chỉ tiêu an toàn vốn, phân loại, đánh giá doanh nghiệp, quản trị rủi ro, cập nhật và hoàn thiện hệ thống giám sát và cảnh báo sớm. Yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường năng lực tài chính, quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp, chất lượng dịch vụ khách hàng và công khai minh bạch.
Song song với đó, Bộ đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật để răn đe, tăng tính tuân thủ của các doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc giám sát hoạt động các đại lý bảo hiểm, đặc biệt là các ngân hàng hoạt động đại lý bảo hiểm để đảm bảo kênh phân phối này phát triển lành mạnh, đúng hướng.
Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về bảo hiểm, hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm; tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Bảo hiểm đã và đang chứng tỏ vai trò góp phần ổn định kinh tế vĩ mô cũng như góp phần bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội. Thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là còn nhiều dư địa phát triển do nhu cầu bảo vệ của người dân từ bảo hiểm còn rất lớn. Để phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, lành mạnh và minh bạch, bên cạnh sự nỗ lực và các giải pháp của các cơ quan quản lý, sự phối hợp các bộ, ngành, rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp bảo hiểm và toàn thể người dân, để bảo hiểm thực sự khẳng định vai trò với nền kinh tế - xã hội.
Nguồn: Đầu tư chứng khoán