Những ngày đầu tháng Chạp, nói như ông bà mình là “hột lúa tháng Giêng đồng tiền tháng Chạp”, đó là thời điểm những người nghèo ở Quảng Ngãi rất khó khăn trong đời sống và cần sự giúp đỡ để có thể trang trải và chuẩn bị đón một cái Tết đơn sơ cho gia đình mình.
Slogan (khẩu hiệu) của PVI Holdings (tiền thân là Tổng Công ty Bảo hiểm dầu khí Việt Nam) là “PVI – Ngọn lửa của niềm tin”. Đó là ngọn lửa của niềm tin đối với khách hàng, với đối tác. Nhưng, “ngọn lửa” ấy giờ đây mang thêm một ý nghĩa cao đẹp: ngọn lửa của lòng nhân ái, ngọn lửa đến với những bếp nghèo ngày giáp Tết.
2.000 suất quà Tết, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng gồm 50kg gạo tốt và 500.000đ tiền mặt đã được PVI mang tận tay 2.000 gia đình nghèo ở một số huyện và thành phố Quảng Ngãi. Một đội ngũ hùng hậu những thạc sĩ, cử nhân trẻ của PVI đã tình nguyện không đón Tết dương lịch ở Hà Nội mà lên đường vào Quảng Ngãi để phát quà Tết của PVI cho người nghèo. Nhìn các chàng trai Hà thành tươi rói bưng bê khuân vác những bao gạo nặng giúp những người dân già yếu, càng thấm thía hơn với tư tưởng kinh doanh hiện đại mà một bậc thầy của lý thuyết kinh doanh thế giới, cha đẻ của Marketing hiện đại là Philip Kotler đã nói: “Trong kinh doanh, thì lòng nhân ái luôn giúp ta đạt hiệu quả cao nhất”.
Năm qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng PVI đã làm việc rất hiệu quả và là đơn vị kinh doanh của ngành dầu khí không chỉ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kinh doanh mà còn có lãi tốt. Nhưng nếu PVI chỉ dùng tiền lãi để thưởng Tết trong nội bộ với mức thưởng “khủng” như một số đơn vị kinh doanh khác đã làm, thì chẳng ai bận tâm nói tới làm gì. Điều ngược lại, PVI đã biết trích từ phúc lợi của mình một phần tiền để “nhường cơm sẻ áo” với bà con nghèo Quảng Ngãi. Đó mới là điều đáng nói. Và, theo tôi, đó mới là một tư duy kinh doanh tốt. Bởi người kinh doanh bền vững luôn biết đặt lợi ích của cá nhân mình, của Công ty mình trong lợi ích chung của cộng đồng, biết “chia sẻ và thấu hiểu” với đồng bào mình, nhất là với đồng bào nghèo
Chính từ những hoạt động phi lợi nhuận vì cộng đồng như thế, thương hiệu của Công ty mới được quảng bá rộng rãi, tạo một niềm tin thực sự cho khách hàng, cho đối tác và cả cho xã hội. Không có một kiểu kinh doanh nào tách khỏi cộng đồng, tách rời xã hội mà thành công. Để “ngọn lửa của niềm tin” PVI thực sự là niềm tin của cộng đồng, thì những hoạt động nhân ái luôn phải là việc làm thường xuyên ở Công ty này. Và những cán bộ, nhân viên, nhất là những người trẻ khi tham gia trực tiếp vào những hoạt động nhân đạo, bản thân họ sẽ cảm thấy mình lớn lên rất nhiều, có ích với cộng đồng hơn rất nhiều, và niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp sẽ đồng hành với họ.
Lâu nay, trước mỗi hoạt động nhân đạo, chúng ta thường chỉ chú ý tới “cái được” những người nghèo khổ hay bất hạnh được nhận sự trợ giúp, mà quên đi “cái được” của chính những người, những doanh nghiệp đứng ra trợ giúp. Họ cũng được, và có khi còn “được” hơn cả những người họ trợ giúp nữa. Cái “ được” của họ, sẽ thể hiện một cách âm thầm nhưng rõ rang ngay trong những hoạt động và kết quả kinh doanh của họ.