Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa có thông báo kết luận tại Hội nghị “Công tác Chuyển đổi số PVN năm 2022”.
Ngày 04/03/2022, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Lê Mạnh Hùng đã chủ trì hội nghị “Công tác Chuyển đổi số PVN năm 2022”. Tham dự cuộc họp có đồng chí Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn, các đồng chí Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, đại diện các đơn vị thành viên trong Tập đoàn, đại diện các Ban/Văn phòng, đại diện Cục A05 – Bộ Công an và đại diện các đơn vị tư vấn: EY Việt Nam, NGS.
Hội nghị đã nghe đồng chí Trần Bình Minh – Chánh Văn phòng Tập đoàn thay mặt Bộ phận thường trực của Ban Chỉ đạo công tác Chuyển đổi số (CĐS) trình bày tham luận “Chiến lược chuyển đổi số PVN”; Đại diện tư vấn EY Việt Nam, NGS và đại diện GTSC thuộc Cục A05 trình bày các tham luận chuyên đề về CĐS; Đại diện các đơn vị thành viên VSP, PVOil, PVCFC trình bày tham luận “Hiện trạng và Kế hoạch Chuyển đổi số” của đơn vị cũng như các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Hoàng Quốc Vượng–Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đánh giá cao Văn phòng Tập đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn, Cục A05 – Bộ Công an, các đơn vị thành viên để tổ chức thành công hội nghị, đem lại nhiều ý nghĩa cho các bên tham gia.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phạm Tiến Dũng, Lê Ngọc Sơn và các đại biểu tham dự, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lê Mạnh Hùng đề nghị một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải triển khai ngay trong thời gian tới, cụ thể như sau:
Các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khẩn trương triển khai nghị quyết số 184-NQ/ĐU ngày 15/02/2022 của Đảng ủy Tập đoàn về việc “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đến năm 2025, định hướng 2030”; Thực hiện quán triệt nội dung nghị quyết đến các cấp trong đơn vị để tạo sự thống nhất trong nhận thức về mục tiêu, tầm nhìn, tính cấp thiết và triển khai đồng bộ công tác CĐS trong Tập đoàn; Thành lập ngay Ban chỉ đạo công tác Chuyển đổi số, Bộ phận chuyên trách triển khai Chuyển đổi số của đơn vị.
Triển khai xây dựng lộ trình CĐS, chiến lược CĐS phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh của đơn vị, hoàn thành muộn nhất trong quý II/2022.
Các đơn vị chủ động đẩy mạnh công tác Chuyển đổi số tại các cấp. Tổ chức đào tạo, tái đào tạo về CĐS trong đơn vị và đặc biệt chú trọng đào tạo cho đội ngũ cán bộ Lãnh đạo/Quản lý vì mấu chốt triển khai thành công CĐS là xuất phát từ động lực của Lãnh đạo Đơn vị. Các cấp Lãnh đạo/Quản lý của đơn vị phải có hiểu biết sâu sắc về bản chất CĐS để tạo thuận lợi cho công tác triển khai, tránh đưa ra các định hướng không phù hợp dẫn đến khó khăn, lãng phí khi thực hiện CĐS; Tổ chức đào tạo về các nền tảng số cốt lõi, gồm có: Điện toán đám mây (Cloud), Dữ liệu lớn (Bigdata), Internet vạn vật (IoT – IIoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI).
Triển khai đồng bộ trong Tập đoàn về Văn hóa số, trong đó phải nhận thức rõ trọng tâm, nền tảng của văn hóa số là: văn hóa chia sẻ, văn hóa sáng tạo, văn hóa nỗ lực học tập không ngừng
Văn phòng Tập đoàn phối hợp chặt chẽ với Bộ phận chuyên trách CĐS của các đơn vị thực hiện rà soát Chiến lược, Lộ trình CĐS của đơn vị; Thực hiện đồng bộ Lộ trình CĐS, đảm bảo sự thống nhất khi triển khai trong toàn Tập đoàn; Đề xuất phương án, các giải pháp số có khả năng dùng chung để tối ưu chi phí; Chia sẻ thông tin triển khai và hiệu quả công tác Chuyển đổi số giữa các đơn vị.
Các Phó Tổng giám đốc chỉ đạo kế hoạch, lộ trình, phương án xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong lĩnh vực được phân công; Triển khai thống nhất và đồng bộ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Văn phòng Tập đoàn cần đẩy nhanh tiến độ triển khai ERP, nghiên cứu phương án nâng cấp Kho dữ liệu hệ thống ERP của PVN, thực hiện tích hợp trao đổi thông tin với các đơn vị trong toàn Tập đoàn.
Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Tập đoàn, Cục A05 – Bộ Công an để đảm bảo an toàn an ninh thông tin khi thực hiện Chuyển đổi số. Công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin phải được triển khai đồng bộ với công tác Chuyển đổi số, trọng tâm là các công tác giám sát an ninh mạng được triển khai đồng bộ tại các đơn vị; Hình thành đội ngũ cán bộ phụ trách về an toàn an ninh thông tin; Đào tạo nhận thức cho Lãnh đạo, CBNV về rủi ro an toàn thông tin khi triển khai CĐS.
Văn phòng Tập đoàn đầu mối xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác CĐS tại các đơn vị, tổ chức họp giao ban định kỳ toàn Tập đoàn; Các đơn vị chủ động triển khai họp giao ban công tác CĐS định kỳ, tối thiểu 03 tháng/lần.
P.V