Giới doanh nghiệp sẽ vui mừng khi Chính phủ quyết định nới room tín dụng từ 18% lên 21-22% năm 2017, tương đương có khoảng 578.000 tỷ đồng sẽ được “bơm” mạnh trong 4 tháng cuối năm nay.
Bình quân “bơm” 145.000 tỷ đồng/tháng cuối năm 2017
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2016, quy mô dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 5,5 triệu tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tăng trưởng tín dụng đạt 9,06%, khoảng 498.000 tỷ đồng đã “bơm” vào nền kinh tế đưa mức tăng trưởng GDPđạt 5,73% (cùng kỳ 2016, GDP tăng 5,65%, cùng kỳ 2015 tăng 6,32%).
Như vậy, tín dụng tăng đúng chỉ tiêu (cả năm 18%), nhưng tăng trưởng GDP lại không như kỳ vọng. Theo Thủ tướng Chính phủ, để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng GDP là 6,7% trong năm 2017 thì 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng GDP là 7,42%.
Thủ tướng đã đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch, lộ trình bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21 – 22% (tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 12/8/2017).
Với mức tín dụng được điều chỉnh tăng từ 18% lên 21-22%, tổng mức tín dụng sẽ được “bơm” ra cho cả năm 2017 khoảng 1,155 – 1,21 triệu tỷ đồng, so với mức trước là 990.000 tỷ đồng.
Trong 6 tháng cuối năm nay, nguồn tín dụng từ ngân hàng sẽ “bơm” ra khoảng 712.000 tỷ đồng (12,94%) cho mức tăng 7,42% của GDP.
Tuy nhiên, tính đến hết tháng 8/2017, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đã đạt 11,5% so với cuối năm 2016 (số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia).
Như vậy, 04 tháng cuối năm, ngành ngân hàng phải tăng tốc giải ngân tín dụng khoảng 577.500 tỷ đồng (bình quân 1450.000 tỷ đồng/tháng) mới có thể sử dụng hết room tín dụng còn lại là 10,5% để đạt mục tiêu 22% cho cả năm.
Tình hình kinh tế khả quan?
Số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy các yếu tố hỗ trợ cho quyết định nới room tín dụng để tăng trưởng GDP đó là trong 8 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp, chỉ tăng 1,23% so với tháng 12/2016.
Tổng cầu trong 8 tháng đầu năm 2017 tiếp tục được cải thiện nhờ cầu tiêu dùng tăng khá và kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong 8 tháng đầu năm 2017 tăng 8,9% (loại trừ yếu tố giá), so với cùng kỳ tăng 8,5%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức tăng cao nhất từ năm 2012. Xuất khẩu tăng 17,9% và nhập khẩu tăng 22,3% so với cùng kỳ 2016 tương ứng tăng 5,5% và giảm 0,3%. Cán cân thương mại nhập siêu 2,13 tỷ USD.
Bên cạnh đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng Purchasing Managers’ Index (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã tăng nhẹ từ mức 51,7 điểm trong tháng 7 lên 51,8 điểm trong tháng 8. Kết quả này cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất tiếp tục cải thiện nhẹ, từ đó kéo dài thời kỳ cải thiện các điều kiện kinh doanh hiện nay thành 21 tháng. Hoạt động mua hàng đã tăng với tốc độ nhanh hơn, nguyên nhân do số lượng đơn đặt hàng mới tăng.
Bên cạnh chính sách tiền tệ, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phấn đấu đưa tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 34-35% GDP, đồng thời rà soát, đẩy mạnh tháo gỡ các rào cản, các điều kiện kinh doanh không phù hợp.
Vẫn cẩn trọng với lạm phát
Từ năm 2011 trở lại đây mục tiêu kiềm chế lạm phát luôn được ưu tiên hàng đầu, điều này dường như đã thành công khi lạm phát từ năm 2012 đã giảm mạnh về mức 6,81% so với mức 18,13% của năm 2011.
Tiếp tục từ đó đến nay, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, năm 2015 tốc độ tăng lạm phát chỉ còn 0,63%. Điều này có được nhờ tăng trưởng tín dụng từ năm 2012 – 2014 được đưa về mức thấp từ 8-12%. Tuy nhiên, khi tín dụng tăng lên 17% năm 2015 thì lạm phát đã tăng trở lại mức 4,74% năm 2016.
Do đó, trong năm 2017, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng lạm phát so với cùng kỳ sau 6 tháng liên tục giảm đã có dấu hiệu tăng trở lại trong tháng 8. Nguyên nhân, giá đã tăng ở hầu hết các nhóm hàng, trong đó nhóm dịch vụ y tế tăng mạnh 3,72%, giá xăng tăng 2 đợt trong tháng 8 làm nhóm giao thông tăng thêm 2,13%, đặc biệt nhóm thực phẩm sau nhiều tháng giảm đã tăng 1,64%. Tất cả những nhóm này góp phần làm CPI tăng 2,64 điểm %.
“Việc CPI tăng do có yếu tố chu kỳ (lạm phát do yếu tố giá) cho thấy dấu hiệu một chu kỳ tăng giá mới có thể bắt đầu trong những tháng tiếp theo”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cảnh báo.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% hiện nay lên 12% từ 01/1/2019 hoặc tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 01/01/2019 và 14% từ ngày 01/01/2021.
Việc tăng thuế suất VAT sẽ hình thành một mặt bằng giá mới và là nhân tố gia tăng lạm phát, có nguy cơ làm giảm sức cầu của nền kinh tế trong dài hạn... Vì điều kiện cần thiết cho tăng trưởng kinh tế bền vững là giá cả phải ổn định.
Ngân hàng ồ ạt xin nới room
Tính đến 30/6/2017, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng trưởng tín dụng gần hết room. Cụ thể, VIB đã tăng trưởng dụng 15,7% trên chỉ tiêu 16% cho cả năm 2017. ACB cũng tăng trưởng tín dụng 11,15% so với chỉ tiêu 16%. HDBank đã tăng gần 18% trên chỉ tiêu 20%. MBB là 14,6% trên chỉ tiêu 16%.
Đặc biệt, 3 ngân hàng lớn: BIDV, Vietcombank, Vietinbank cũng tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm khá cao. Cụ thể, Vietcombank đã tăng 13,86% trên chỉ tiêu 15%. BIDV tăng 11,4% so với chỉ tiêu 18%. Vietinbank đã tăng 10,2% so với chỉ tiêu 16%.
Đại diện của ACB và VIB cho biết sẽ xin nới room tín dụng và theo nhận định của công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khả năng 3 ngân hàng lớn BIDV, Vietcombank, Vietinbank cũng sẽ điều chỉnh tăng mức tín dụng so với kế hoạch đầu năm 2-3%.
Như vậy, tiền sẽ được bơm vào nền kinh tế đẩy tăng trưởng GDP cao hơn, giảm thất nghiệp… nhưng vẫn phải coi chừng “bóng ma lạm phát”, vì khi lạm phát tăng sẽ làm nợ công gia tăng, đồng tiền mất giá… Và việc của Ngân hàng Nhà nước là bơm tiền có điều kiện.