Là thành viên của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, mối quan tâm đầu tiên của BHDK là bảo toàn vốn cho ngành dầu khí và cho khách hàng trước mọi rủi ro, tập trung xây dựng chương trình bảo hiểm và tái bảo hiểm an toàn, hiệu quả cho các dự án mang tầm cỡ chiến lược của ngành và quốc gia.
Cho đến thời điểm hiện nay, BHDK đã thu xếp và cấp đơn cho tất cả các dự án dầu khí triển khai tại Việt Nam, thu xếp chương trình tái tục bảo hiểm với phí và điều kiện bảo hiểm tốt nhất, bảo đảm an toàn cho tài sản của các đơn vị trong ngành dầu khí như: VSP, PV Gas, Đạm Phú Mỹ, PTSC, PV Trans, PV Drilling, dự án nhà máy Lọc dầu Dung Quất, dự án Khí Điện Đạm Cà Mau… BHDK cũng đã vận động được các nhà thầu phụ dầu khí tham gia bảo hiểm tại BHDK, điển hình như: Global Santafe, Transocean, Modec, Tanker Pacific… Mặt khác BHDK cũng đã bước đầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm ra ngoài lãnh thổ Việt Nam thông qua việc bảo hiểm cho các dự án do ngành Dầu khí đầu tư ra nước ngoài như: dự án xây dựng lắp đặt giàn khai thác của KNOC tại Hàn Quốc; dự án xây dựng lắp đặt giàn khoan tự nâng đa năng 90m nước của Keppel Fels tại Singapore; các dự án khoan giếng thăm dò tại Angeria; các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của PetroVietnam tại Malaysia…
Bằng phong cách chuyên nghiệp, BHDK luôn tích cực hỗ trợ khách hàng trong các vấn đề về tư vấn, xây dựng chương trình quản lý rủi ro và đề phòng hạn chế tổn thất. BHDK cũng thường xuyên phối hợp với các nhà bảo hiểm hàng đầu quốc tế và các nhà môi giới tái bảo hiểm tổ chức các cuộc hội thảo cho khách hàng nhằm thống nhất xây dựng các chương trình bảo hiểm an toàn, đảm bảo việc giải quyết bồi thường nhanh chóng và thoả đáng. Số tiền BHDK đã bồi thường cho khách hàng hàng năm lên tới hàng trăm tỷ đồng, điển hình như các vụ tổn thất của Xí nghiệp liên doanh Dầu khí VietsovPetro: sự cố gẫy tam giác tàu Ba Vì bồi thường 66 tỷ đồng, đứt xích neo số 1 và số 8 giàn Đại Hùng bồi thường 30 tỷ đồng...Ngoài ra, BHDK cũng đã giải quyết bồi thường đối với các đơn vị trong và ngoài ngành khác như: vụ chìm tàu Mimosa bồi thường trên 30 tỷ đồng, vụ tàu Long Xuyên mắc cạn tại Hàn Quốc bồi thường 13 tỷ đồng (P&I và Hull), vụ chìm tàu Bạch Đằng Giang bồi thường 10 tỷ đồng, tổn thất hàng thức ăn chăn nuôi bồi thường 3,5 tỷ đồng, tổn thất hàng gạo của Vinafood-I bồi thường gần 3 tỷ đồng... Việc giải quyết bồi thường của BHDK luôn đáp ứng yêu cầu của khách hàng, kể cả khi chưa hoặc không đòi được tiền bồi thường từ các nhà tái bảo hiểm hay khi các nhà nhận tái bảo hiểm ngừng hoạt động, BHDK vẫn luôn làm tròn trách nhiệm của mình.
Nhằm thực hiện chiến lược xây dựng Bảo hiểm Dầu khí thành một thương hiệu mạnh trong tập đoàn Dầu khí, có quy mô hoạt động toàn cầu, đảm bảo an toàn tài sản của ngành Dầu khí tại Việt Nam và tại các nước mà PetroVietnam đang và sẽ đầu tư, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh cho BHDK trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, Hội đồng quản trị Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã có nghị quyết về lộ trình tăng vốn điều lệ của BHDK lên 500 tỷ đồng vào năm 2006 và tiếp đó từ 1000 đến 2000 tỷ đồng vào năm 2010. Theo đó, ngày 31/3/2006 Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã có Quyết định tăng vốn điều lệ cho Công ty Bảo hiểm Dầu khí lên thành 500 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty BHDK cho biết, với lộ trình tăng vốn điều lệ như trên sẽ đưa BHDK trở thành một trong những Công ty bảo hiểm phi nhân thọ có vốn chủ sở hữu lớn hàng đầu Việt Nam. Công ty sẽ đa dạng hoá dịch vụ bảo hiểm, đi sâu vào phân tích các rủi ro, nâng mức giữ lại phù hợp với vốn điều lệ và xây dựng chiến lược kinh doanh đảm bảo đạt doanh thu trên 1000 tỷ đồng vào năm 2006 và đạt 2000 tỷ đồng vào năm 2010. Trong các năm 2006, 2007 Công ty sẽ tái đầu tư vào nền kinh tế tới hàng ngàn tỷ đồng và đảm bảo nâng tỷ suất lợi nhuận của Công ty lên từ 12% – 15%/năm.