Dự kiến 6 tháng đầu năm, doanh thu bảo hiểm gốc sẽ đạt 10.105 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2010. Năng lực tài chính các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) cũng được cải thiện rõ ràng, thể hiện ở phí nhượng tái bảo hiểm trong nước chiếm tỷ lệ gần 40%, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường bảo hiểm nước ngoài… Ngoài ra, những bổ sung và sửa đổi trong Luật Kinh doanh bảo hiểm đưa vào áp dụng trong năm nay đã mở ra những cơ hội lớn cho các DNBH Việt Nam.
Tuy nhiên bên cạnh đó, thị trường vẫn còn những khó khăn, thách thức cũ nhưng không thể bỏ qua, những vấn nạn tồn tại từ lâu nhưng vẫn luôn nóng:
Thứ nhất, lạm phát tăng cao làm gia tăng chi phí bồi thường cho các DNBH. Lạm phát tăng sẽ khiến giá cả hàng hóa dịch vụ tăng cao, điều này đương nhiên dẫn tới chi phí bồi thường tăng ở các nghiệp vụ có đơn bảo hiểm mà mức bồi thường tính theo giá thị trường;
Thứ hai, cạnh tranh không lành mạnh, gia tăng chi phí khai thác dịch vụ. Tình hình cạnh tranh giảm phí, hạ mức khấu trừ, mở rộng điều kiện bảo hiểm,… trên thị trường ngày càng quyết liệt, đặc biệt là nghiệp vụ bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu, bảo hiểm cháy, bảo hiểm xây dựng lắp đặt, bảo hiểm hỗn hợp…
Thứ ba, trục lợi bảo hiểm. Đây là vấn đề đã diễn ra ở Việt Nam từ rất lâu nhưng thời gian gần đây có xu hướng gia tăng nhiền hơn. Trục lợi bảo hiểm xảy ra sẽ khiến các DNBH không những phải chịu thiệt hại lớn về tài chính mà còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng về uy tín, thương hiệu và hình ảnh. Các hành vi trục lợi càng ngày càng trở nên nguy hại hơn khi nó không chỉ đến đơn thuần từ phía khách hàng mà còn bắt nguồn từ việc móc nối, cấu kết giữa khách hàng với chính nhân viên của DNBH.
Thứ tư, khó khăn của các DNBH trong nước khi cạnh tranh với các DNBH nước ngoài. Đặc biệt là khi bán sản phẩm qua biên giới và thành lập chi nhánh DNBH PNT nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Thứ năm, sự phối hợp giữa Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (CQLGSBH) và Hiệp hội bảo hiểm (HHBH) Việt Nam chưa đồng bộ và chặt chẽ. Đặc biệt là trong việc giải quyết những vướng mắc về nghiệp vụ bảo hiểm cho DNBH và việc lập kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động nghiệp vụ trong năm.
Thứ sáu, sai phạm trong hoạt động kinh doanh của các DNBH. Có thể kể ra đây một loạt những sai phạm trong hoạt động của nhiều DNBH như: Thực hiện khuyến mãi, bồi thường sai quy định…; Thực hiện tái bảo hiểm không thống nhất giữa hợp đồng gốc với hợp đồng tái về mức phí, hoa hồng, mức khấu trừ bảo hiểm…; Thực hiện đầu tư không đúng quy định; Trích lập dự phòng nghiệp vụ chưa đầy đủ…
Cuối cùng, nhân sự yếu về chuyên môn nghiệp vụ và lãnh đạo thiếu về kỹ năng quản lý trong DNBH. Nhân lực là một yếu tố nội tại cực kỳ quan trọng đối với mỗi DNBH. Có một thực tế trên thị trường BH PNT Việt Nam hiện nay là mức tăng về số lượng luôn lớn hơn nhiều so với mức tăng về chất lượng nhân lực. Điều này được thể hiện rõ nét nhất qua hình ảnh số lượng đại lý bảo hiểm đăng ký hoạt động tăng lên nhanh nhưng cũng giải thể nhanh do hoạt động kém hiệu quả hiện nay.
Năm 2011 đã đi qua được gần nửa chặng đường, muốn đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch năm cũng như mục tiêu tăng trưởng 18 – 20% của khối PNT trong “Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011- 2020” của CQLGSBH, Bộ Tài chính thì đòi hỏi mỗi DNBH cũng như CQLGSBH và HHBH phải có những giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm khắc phục, giải quyết một cách nhanh nhất những khó khăn và tồn tại kể trên.
Để khắc phục những tồn tại của thị trường BH PNT thì không thể tiến hành riêng lẻ mà cần phải có sự phối hợp thực hiện của cả thị trường, từ các cơ quan quản lý Nhà nước như CQLGSBH, HHBH cho tới từng DNBH. Dưới đây là các nhóm giải pháp cho 7 vấn đề đã nêu ở trên:
Về phía Nhà nước:
Cần có các chế tài nghiêm khắc hơn nhằm gia tăng tính minh bạch trong hoạt động của các DNBH cũng như để nâng cao tính răn đe trong việc xử phạt những vấn nạn vốn tồn tại từ lâu như cạnh tranh không lành mạnh và trục lợi bảo hiểm. Thực hiện đồng bộ và kịp thời các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô giúp giảm bớt những tác động xấu tới thị trường BH PNT, đặc biệt là lĩnh vực bảo hiểm xây dựng lắp đặt vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời điểm hiện nay.
Về phía các cơ quan quản lý, điều hành:
Thường xuyên trao đổi thông tin giữa CQLGSBH và HHBH nhằm tạo ra sự liên hệ khi thực hiện đánh giá và định hướng thị trường đồng thời phân tách rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của CQLGSBH và HHBH, tránh trường hợp “dẫm chân” lên nhau. Quan tâm sát sao tới hoạt động đại lý và cung cấp dịch vụ của các DN nước ngoài tham gia vào thị trường BH PNT Việt Nam nhằm tránh những sai phạm gây ra bất lợi cho các DNBH trong nước. Song song với đó là việc tạo điều kiện thuận lợi nhất về hoạt động cho các DNBH trong nước trên cơ sở đảm bảo đúng pháp luật Việt Nam cũng như những cam kết thỏa thuận của WTO. Tiến hành kiểm tra đánh giá định kỳ hoạt động của các DNBH theo kế hoạch hàng năm hoặc theo chuyên đề để kịp thời chấn chỉnh các hành vi sai phạm của DNBH, đưa ra khuyến cáo để doanh nghiệp khắc phục. Tổ chức đấu thầu bảo hiểm theo hướng chọn lọc các dịch vụ bảo hiểm có giá trị lớn và thuộc lĩnh vực bảo hiểm không mang tính đặc thù trên thị trường hoặc các dịch vụ bảo hiểm mang tính xã hội nhằm đảm bảo hiệu quả phí bảo hiểm giữ lại cho các DNBH trong nước.
Về phía các Doanh nghiệp bảo hiểm:
Công tác tổ chức và hoạt động:
Hoạt động định phí, giám định: Tính thêm cả yếu tố lạm phát trong quá trình định phí để đưa ra mức phí bảo hiểm hợp lý nhất; Tập trung đánh giá rủi ro đối với những hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn và nguy cơ rủi ro cao;
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm: Tách biệt riêng rẽ hoạt động của bộ phận kinh doanh bảo hiểm và quản lý rủi ro bồi thường; Đẩy mạnh hoạt động đầu tư tài chính từ việc sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi, tăng lợi nhuận cho DNBH;
Hoạt động kiểm tra, giám sát: Chú trọng công tác kiểm toán, đối chiếu lại số liệu báo cáo tài chính nhằm phát hiện ra những nhầm lẫn, thiếu sót (nếu có); Định kỳ hoặc bất thường (nếu cần) tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh tại các đơn vị thành viên nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp sai phạm;
Hoạt động đối ngoại: Tăng cường hợp tác giữa các DNBH trong nước nhằm hạn chế việc nhận bảo hiểm những dịch vụ xấu, trao đổi kinh nghiệm ứng phó với các trường hợp trục lợi bảo hiểm, cạnh tranh không lành mạnh;
Cơ cấu tổ chức: Đối với những công ty chiếm thị phần lớn đang hoặc mới cổ phần hóa hay tái cấu trúc (như PVI, PJICO) cần nhanh chóng hoàn thành, ổn định hoạt động kinh doanh tránh những xáo động không cần thiết cho thị trường bảo hiểm.
Công tác xây dựng quy trình và công nghệ:
Rà soát, bổ sung và xây dựng quy trình kinh doanh, hệ thống chỉ tiêu tài chính, kế toán theo tiêu chuẩn quốc tế;
Đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hoàn chỉnh, hiện đại để quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh theo từng lĩnh vực thị trường và đối tượng tham gia bảo hiểm;
Công tác nhân sự:
Tuyển dụng: Tập trung vào nguồn nhân lực mới, những sinh viên sắp hoặc vừa ra trường theo học các chuyên ngành bảo hiểm, luật, tài chính, ngân hàng… thông qua liên kết, hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước; Thành lập ngân hàng bài test, có những tiêu chí đánh giá, xét tuyển riêng phù hợp với từng vị trí ứng tuyển; Có hệ thống chỉ tiêu cụ thể đánh giá hiệu quả và năng suất làm việc của từng lao động, đặc biệt là nhân viên kinh doanh.
Đào tạo: nên xây dựng kế hoạch đào tạo theo hai giai đoạn:
Giai đoạn đầu: Ngoài việc tiến hành đào tạo phổ cập cơ bản về bảo hiểm cho toàn bộ nhân viên thì cần lựa chọn đối với mỗi lĩnh vực, mỗi nghiệp vụ những đối tượng trọng điểm để tiến hành tôi luyện qua công việc, đào tạo qua những khóa học chuyên ngành.
Giai đoạn thứ hai: Đội ngũ trọng điểm này sẽ trở thành lực lượng chủ chốt trong công tác đào tạo tại mỗi vị trí chuyên môn, thông qua chia sẻ kinh nghiệm, truyền đạt kiến thức cho đồng nghiệp, cho các lớp kế cận.
Đãi ngộ: Xây dựng một cơ chế lương, định mức chi phí đúng khả năng, tiềm lực của doanh nghiệp, không quá chênh lệch so với “ngưỡng thị trường”.
Lẽ dĩ nhiên, giải pháp đưa ra sẽ mãi chỉ là lý thuyết nếu không có sự quan tâm đầu tư thực hiện một cách nghiêm túc và triệt để. Điều này đòi hòi phải có kế hoạch triển khai chi tiết đồng thời cần sự phối hợp thực hiện một cách sâu rộng từ cả ba phía: Nhà nước, các cơ quan quản lý, điều hành và các DNBH PNT trên thị trường./.